Thứ năm, 02/05/2024 | 02:30
RSS

Sự trở về thần kỳ từ cõi chết của người đàn ông không ăn không ngủ suốt một năm

Thứ năm, 24/08/2017, 14:01 (GMT+7)

Anh Trần Văn Hưởng (ở Thanh Oai, Hà Nội) không ăn không ngủ được gần 1 năm trời. Tưởng mình có thể chết, anh đã viết di chúc và phân chia tài sản cho các con.

Khoảng tháng 10/2015, anh Trần Văn Hưởng (sinh năm 1974, ở xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội) bỗng bị một cơn đau cổ. Cơn đau xuất phát từ lúc anh ở trong ô tô bước ra ngoài, cổ cứng lại và những cơn đau bắt đầu hành hạ.

Đang khỏe, đột nhiên cứng cổ và đau

Anh cũng không hiểu chuyện gì xảy ra vì bình thường anh vẫn khỏe mạnh, làm nghề lái xe ô tô, sức khỏe không có vấn đề gì. Anh cũng không bị tai nạn hay va đập cổ vào đâu.

Mới đầu, anh Hưởng chỉ nghĩ mình bị vài hôm rồi khỏi. Không ngờ, anh đau cổ tới 10 tháng trời, không ăn, không ngủ được, nằm đau, ngồi đau, đau vật vã.

“Tôi đau quá đến mất ngủ; đầu không cúi, không ngửa, không quay được; nằm thì không nằm nghiêng được... Hàng ngày, cứ khoảng 11h đêm là tôi phải dùng thuốc ngủ, nhưng đến khoảng 1h sáng đã lại thức dậy vì quá đau” – anh Hưởng kể lại.

Anh đã đi khám nhiều nơi, bệnh viện to, bệnh viện nhỏ, tìm gặp riêng bác sĩ..., đủ cả. Có nơi bác sĩ bảo có u ở cổ, nơi bảo không. Thậm chí một chuyên gia khá uy tín còn nói anh về “sống chung với căn bệnh, hy vọng kéo dài được dài ngày nào hay ngày đó”.

Phim chụp cho thấy hình ảnh trật đốt sống cổ nặng. Ảnh bác sĩ cung cấp

Đau đớn, mệt mỏi, hoang mang không biết mình còn sống được bao ngày hay sẽ đột ngột liệt như lời một bác sĩ cảnh báo, anh Hưởng chỉ biết khóc vì bất lực. Lúc ấy, anh không nghĩ đến mình mà chỉ thương vợ con. Nhà anh còn một đứa nhỏ mới 3 tuổi “đẻ rốn”, nếu anh không còn hoặc tệ hơn là liệt nằm đấy, vợ con anh sẽ rất khổ.

Được nhận điều trị là “mừng như bắt được vàng”

Khi được giới thiệu đến Bệnh viện Bạch Mai và có bác sĩ nhận điều trị, anh Hưởng “mừng như bắt được vàng”.

Giải thích cho cái sự “mừng như bắt được vàng” này, anh Hưởng nói: “Vì không đâu nhận chữa, mà thuốc ngủ với thuốc giảm đau ngày nào tôi cũng uống rồi; uống mà vẫn đau không ăn không ngủ được; cứ ròng rã vậy, nếu không chữa được bệnh thì tôi chỉ có chết”!

Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị tiếp nhận anh Hưởng. Các bác sĩ đã cho chụp đi chụp lại phim, nghiên cứu rất kỹ ca bệnh này.

Trên phim X quang, cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ của bệnh nhân có hình ảnh trật nặng rất nặng đốt sống cổ C1-C2, có chèn ép gây phù tủy ngang mức. Các bác sĩ nhận định: Đây là một ca rất khó.

Theo ThS.BS nội trú Vũ Xuân Phước, Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, Bệnh viện Bạch Mai, trật C1-C2 bao gồm 4 độ, trong đó bệnh nhân Hưởng là trật độ 4 nặng nhất. Hơn nữa, do trật lâu ngày nên bệnh nhân bị dính khớp, cứng cột sống cổ; ở tư thế cúi hoặc ngửa không hề thay đổi nên không thể kéo nắn chỉnh trước mổ, dễ gây ra các biến chứng.

Tuy vậy, các bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân – sau khi đã trao đổi với bệnh nhân và người nhà về những rủi ro có thể gặp phải.

Bệnh nhân Hưởng kể lại: “Tôi có nghe lõm bõm bác sĩ nói gì đó, đâu như chỉ 20% cơ hội thành công; tôi có thể tử vong trên bàn mổ, hoặc liệt toàn thân... Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Thà mổ còn có hi vọng được khỏi bệnh, chứ tôi đang trong tình trạng “sống dở chết dở” khổ quá!”.

Chuẩn bị cho ca mổ sinh tử

Đồng ý phẫu thuật, anh Hưởng lập tức xin bác sĩ cho về quê để “chuẩn bị một vài thứ”. Kỳ thực là anh về để... viết di chúc.

Nhớ lại thời điểm ấy, vợ chồng anh vẫn rưng rưng.

“Tôi về viết di chúc, dặn dò vợ con, chào bà con họ hàng. Vợ tôi thì chỉ khóc, tội lắm” – anh Hưởng kể.

Anh Hưởng vui mừng vì sau khi mổ mình đã không chết, cũng không liệt

Còn chị Hoàng Thị Ân, vợ anh Hưởng thì cho biết: “Anh ấy quyết mổ dù biết có thể chết, tôi cũng không thể can ngăn hay làm gì hơn, bởi tôi đã chứng kiến anh ấy đau đớn khổ sở thế nào. Nhiều bữa cơm, anh ấy không ăn được, chỉ nhìn vợ con mà khóc... Ngày đưa anh ấy lên nhập viện để mổ, tôi đã dặn dò mọi người ở nhà chuẩn bị tinh thần, quét tước nhà cửa sạch sẽ, khi tôi điện về là... cứ thế tiến hành”!

Thế nhưng, anh Hưởng đã không chết, cũng không liệt. Ca mổ đã thành công. Chầu chực ở cửa phòng mổ từ đầu giờ chiều đến chập tối, khi thấy mấy bác sĩ mệt mỏi bước ra cởi áo blu, chị Ân len lén nhìn không dám hỏi. Khi bác sĩ nói “Ca mổ đã thành công”, chị vỡ òa trong niềm vui sướng. Chị đã gọi điện ngay về nhà thông báo tin vui.

Trật đốt sống cổ là chấn thương rất nặng

BS Phước cho hay: Trật đốt sống cổ là một chấn thương rất nặng, nguy cơ tử vong ngay tại chỗ hoặc trên đường vận chuyển cấp cứu hoặc gây liệt tứ chi khó hồi phục ảnh hưởng đến cuộc sống suốt đời của người bệnh, để lại gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho cả gia đình và xã hội

Ở ca này, dưới sự chỉ đạo của Trưởng khoa TS.BS Hoàng Gia Du, quy trình mổ được lên kế hoạch các bước rất chi tiết và khoa học.

Ca mổ diễn ra trong sự căng thẳng kéo dài liên tiếp 3 tiếng đồng hồ. Mục đích của ca mổ là giải phóng được chèn ép thần kinh để mang lại cơ hội hồi phục tủy sống, cải thiện chức năng vận động, cảm giác cho bệnh nhân, đồng thời phải nắn chỉnh được thương tổn trật C1-C2 về được giải phẫu bình thường, giúp liền xương, tránh di chứng tái phát về sau.

ThS.BS nội trú Vũ Xuân Phước đang khám lại cho bệnh nhân Hưởng sau ca mổ

Vùng C1-C2 là phần nối giữa não và tủy sống, do sự phức tạp về giải phẫu mạch máu và thần kinh, nên khi phẫu thuật vào vùng này phẫu thuật viên phải có sự hiểu biết, kinh nghiệm, đôi tay khéo léo vì chỉ cần một chút sơ sẩy dù chỉ là 1mm cũng gây nên thảm họa cho người bệnh, gây liệt tứ chi, ngừng thở hoặc mất máu không cầm, tử vong trên bàn mổ.

Khoảng 10h đêm hôm ấy, bệnh nhân Hưởng bắt đầu tỉnh lại. Khi anh lơ mơ bắt đầu nhận thức được xung quanh, hình ảnh anh nhìn thấy và nghe thấy đầu tiên là bóng áo trắng của một bác sĩ nào đó, hình như là BS Phước đang gọi điện cho ai đó thông báo về tình hình của anh.

Anh thử cầm nắm tay, nhúc nhích chân, thấy vẫn được. Anh sung sướng không thể tả xiết khi phát hiện ra mình vẫn sống và... không liệt.

Cuộc sống mới của bệnh nhân biết tin vào y học

Sau phẫu thuật, bệnh nhân Hưởng đã bình phục nhanh. 4 tháng kể từ khi ca mổ sinh tử diễn ra, anh đã trở lại công việc lái xe quen thuộc.

Sau đó, anh có đi tái khám vài lần, lần nào kết quả chụp chiếu cũng cho kết quả tốt - kể cả kết quả kiểm tra ở Bệnh viện khác.

Vợ chồng anh Hưởng trong ngày vui cưới con gái đầu lòng

Bản thân anh sau mổ đã ăn được, ngủ được, không còn đau đớn. Chỉ duy nhất cổ của anh vẫn hơi cứng khi cúi, ngửa hay quay đầu, nhưng điều này anh đã được tư vấn trước và sẵn sàng chấp nhận. Với anh “không đau, ăn được, ngủ được, không chết, không liệt là tốt lắm rồi”.

Những ngày gần đây, anh Hưởng đang hân hoan trong niềm hạnh phúc khi vừa tổ chức kết hôn cho con gái đầu lòng. Con gái anh cũng đang học Cao đẳng Quân y, nếu suôn sẻ thì sau này sẽ công tác trong ngày y.

Từ một người tưởng đã chết, hoặc mất khả năng lao động, anh Hưởng đã trở lại công việc lái xe quen thuộc

Anh chị rất hi vọng con mình được làm nghề cứu người, giúp được nhiều người bệnh như anh chị đã được các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bạch Mai cứu.

Theo các nghiên cứu trên thế giới các trường hợp trật đốt sống nặng như anh Hưởng là rất hiếm gặp. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: thiểu sản mỏm nha (phần khớp xoay giữ đốt sống C1 – C2), hoặc do tiền sử chấn thương từ nhỏ làm tổn thương mỏm nha hoặc do viêm khớp dạng thấp tiến triển… lâu ngày dẫn đến trật đốt sống C1-C2.

Các phương pháp chữa thoái hóa cột sống tốt nhất hiện nay. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN