Thứ năm, 25/04/2024 | 10:51
RSS

Phú Thọ: Phụ huynh tố nhiều khoản thu chi 'lạ lẫm, mập mờ' tại THCS Hương Nộn

Thứ sáu, 21/09/2018, 12:10 (GMT+7)

Nhiều khoản đóng góp lạ lẫm, mập mờ trong thu chi tài chính, điều kiện học tập không đảm bảo là một trong số những phản ánh của nhiều phụ huynh có con em đang học tập tại trường THCS xã Hương Nộn.

Phú Thọ: Mập mờ trong việc thu chi tài chính tại trường chuẩn Quốc giaTrường THCS xã Hương Nộn (Tam Nông, Phú Thọ) có nhiều mập mờ trong việc thu chi tài chính

Băn khoăn vì nhiều khoản thu bất thường

Ngày 20/9, nhiều phụ huynh đang có con em đang theo học tại trường THCS xã Hương Nộn (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đã phản ánh với phóng viên về việc ban giám hiệu trường này đưa ra nhiều khoản thu “lạ lẫm” và có dấu hiệu không minh bạch trong việc công khai thu chi tài chính.

Chị H. có con đang theo học tại trường THCS xã Hương Nộn cho biết, sáng ngày 16/9, chị có đến trường họp cho con. Tại cuộc họp, cô giáo Bùi Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng nhà trường có lên công bố các khoản thu chi năm cũ (năm học 2017 -2018) và đặt mục tiêu phương hướng cho năm nay (năm học 2018 -2019).

“Cô hiệu trưởng nói về các khoản thu bắt buộc, các khoản thu thoả thuận, các khoản thu hộ và các khoản thu vận động. Tuy nhiên, cô hiệu trưởng chỉ nói không mà không có bất cứ văn bản các khoản tiền thu nào cho phụ huynh biết mà đơn giản chỉ nói miệng”, chị H. cho biết.

Chị H. thông tin thêm, bên cạnh các khoản thu bắt buộc như học phí (315.000 đồng/học sinh/năm), tiền gửi xe (135.000 đồng/học sinh/năm) tiền BHYT (525.000 đồng/học sinh/năm) được thu theo quy định chung. Tuy nhiên, đến các khoản thu thoả thuận và khoản thu vận động nhiều phụ huynh có những thắc mắc.

Cụ thể: Ở các khoản thu thỏa thuận, ngoài tiền điện (50.000 đồng/học sinh/năm), tiền nước uống (60.000 đồng/học sinh/năm), tiền vệ sinh (80.000 đồng/học sinh/năm) học sinh theo học tại trường THCS Hương Nộn còn phải đóng thêm số tiền 80.000 đồng/học sinh/năm dùng để chi trả lương cho bảo vệ.

“Bảo vệ là do nhà trường thuê về để trông coi đồ dùng, đảm bảo công tác an ninh trật tự trong trường tất nhiên phải do nhà trường trả lương nhưng phía trường THCS xã Hương Nộn năm nào học sinh cũng phải đóng góp một khoản để trả lương cho bảo vệ. Điều này đối với chúng tôi là bất hợp lý”, chị H. cho biết.

Phú Thọ: Mập mờ trong việc thu chi tài chính tại trường chuẩn Quốc gia2Các khoản thu dự kiến trong năm học 2018 - 2019 của trường THCS xã Hương Nộn

Trong cuộc trao đổi với PV chiều ngày 20/9, bảo vệ tại trường THCS xã Hương Nộn cho biết quá trình làm việc tại đây, ông được chi trả số tiền 2 triệu đồng/tháng cộng thêm số tiền 1 triệu 700 ngàn đồng tiền dọn dẹp vệ sinh lớp học và sân trường.

Ngoài ra, theo nhiều bậc phụ huynh, đáng chú ý nhất trong danh sách các khoản đóng góp đầu năm học tại trường THCS xã Hương Nộn thuộc về các khoản thu vận động.

Mục các khoản thu vận động được các bậc phụ huynh thắc mắc nhiều nhất bao gồm: Quỹ lớp (300.000 đồng/học sinh/năm) và tiền vận động xã hội hoá trên toàn trường (dự kiến 1 triệu đồng/học sinh/năm).

“Đến khoản tiền vận động xã hội hoá, cô hiệu trưởng có nói nguyên văn như thế này: Toàn trường ta có 306 học sinh. Nhà trường mạnh dạn vận động mức đóng góp là 300 triệu đồng. Tính ra cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng/học sinh/năm”, chị H. thông tin.

Cũng theo thông tin chị H. cung cấp, sau khi đề xuất các mức đóng góp, hiệu trưởng trường THCS xã Hương Nộn không cho phụ huynh nói gì cũng không mời ai phát biểu ý kiến và cho biết quyết định này đã được thống nhất bởi Đảng uỷ xã Hương Nộn và Ban liên lạc cha mẹ học sinh từ chiều ngày hôm trước.

“Không biết hiệu trưởng nhà trường họp và thống nhất với Ban liên lạc hội cha mẹ học sinh từ lúc nào nhưng gần như tất cả các phụ huynh có mặt đều không ai biết về quyết định này.

Mặc dù về mặt lý thuyết các khoản thu này được gọi là các khoản thu vận động nhưng thực chất là ép buộc và các phụ huynh không có sự lựa chọn nào khác là phải răm rắp nghe theo nếu như muốn con em mình yên ổn học tập tại trường”, chị H. bức xúc nói.

Liên quan đến vấn đề trên, một giáo viên đang công tác tại trưởng THCS xã Hương Nộn cũng cho biết: “Ngay cả các cá nhân chủ nhiệm lớp như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nếu trong lớp có em học sinh nào không đóng.

Kế toán sẽ nhân số tiền vận động với sỹ số từng lớp sẽ ra số tiền giáo viên chủ nhiệm phải nộp cho trường. Bình xét thi đua cuối năm, kế toán cũng tham gia xét dựa trên những khoản đã đóng góp của lớp. Nếu không đủ thì giáo viên đó mặc nhiên bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ và lớp đó sẽ không được xếp loại cao”.

Chi tiền thu vận động xã hội hoá không đúng mục đích?

Trở lại với năm học trước (năm học 2017 – 2018), về khoản tiền vận động xã hội hoá tại trường THCS xã Hương Nộn. Theo phản ánh của phụ huynh học sinh, ở kỳ học thứ nhất, trường THCS xã Hương Nộn tiến hành “vận động thu” mỗi học sinh số tiền 570.000 đồng/năm. Tuy nhiên, sang đến kỳ học thứ 2, mỗi học sinh phải đóng thêm 100.000 đồng nâng tổng số tiền vận động xã hội hoá phải đóng lên 670.000 đồng.

Tại các cuộc họp, đại diện nhà trường cho biết những khoản tiền thu được này đều được sử dụng vào việc tu sửa nhà trường, nâng cấp trang thiết bị để phục vụ tốt hơn cho quá trình học tập của học sinh. Nhưng theo phản ánh, thực tế không phải vậy.

“Tại khu vực lớp 8A, 8B, 8C xuất hiện tình trạng nền nhà bị bong tróc, quạt trần luôn ở trong tình trạng quay yếu, thậm chí không quay nhưng ngày này sang tháng khác vẫn không được sửa chữa để phục vụ việc học cho các cháu.

Không những thế, nguồn nước uống của các cháu cũng không được đảm bảo. Mặc dù đã đóng tiền nước uống nhưng nhiều cháu vẫn phải mang nước từ nhà đi để dùng vì “nước có mùi clo” và được đựng chứa không đảm bảo vệ sinh”, một phụ huynh phản ánh.

Vị phụ huynh này cũng nêu ý kiến thắc mắc: “Không hiểu hàng năm nhà trường đều vận động đóng góp xã hội hoá nhưng những thứ nhãn tiền ảnh hưởng đến sức khoẻ các cháu lại không được nhà trường chú trọng đầu tư, nâng cấp”.

Phú Thọ: Mập mờ trong việc thu chi tài chính tại trường chuẩn Quốc gia3Các khoản thu trong năm học 2017 - 2018 của trường THCS xã Hương Nộn

Bên cạnh phản ánh về việc các khoản tiền vận động thu xã hội hoá có dấu hiệu được chi không đúng mục đích, nhiều phụ huynh còn cho biết số tiền đóng quỹ lớp cũng được sử dụng không đúng mục đích.

“Tiền quỹ lớp được vận động đóng với số tiền 300.000 đồng/học sinh/năm để phục vụ mục đích sinh hoạt, học tập của các cháu nhưng số tiền này lại được tự trích ra một phần để sơn sửa lại phòng học mà không thông qua ý kiến của các phụ huynh”, chị L. một phụ huynh có con đang theo học tại trường THCS xã Hương Nộn chia sẻ.

Bức xúc trước những khoản thu chi có dấu hiệu mập mờ của Ban giám hiệu trường THCS Hương Nộn, chị H. đã đăng tải câu chuyện về thu chi của trường lên mạng xã hội.

“Sau khi tôi đăng tải nội dung vụ việc lên mạng xã hội tối ngày 16/9 thì khoảng 10h sáng ngày hôm sau, đại diện nhà trường, đại diện phụ huynh tìm đến nhà tôi để xin tôi gỡ bài với lý do để giữ thể diện cho trường”, chị H. chia sẻ.

Theo thông tin chị H. cung cấp, sau cuộc tiếp xúc để xin chị gỡ bài, Hiệu trường trường THCS xã Hương Nộn là bà Bùi Thị Minh Huệ đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp làm lại biên bản họp phụ huynh để thông báo thu chi trước đó với nội dung theo mẫu được nhà trường phát sẵn cho nhưng vẫn trên tinh thần phát động khoản vận động 300 triệu cho năm học mới.

“Tôi có trao đổi qua thì được một phụ huynh cho biết chị này không ký do biên bản cuộc họp trước đó khác hẳn nội dung biên bản cuộc họp được Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu làm lại”, chị H. thông tin.

Cn răng nộp vì sợ con bị gây khó dễ trong chuyện học tập

Nhà cô T. (trú tại khu 7, xã Hương Nộn) ngao ngán khi nhắc đến những khoản đóng góp đầu năm. Cô T. cho biết gia đình cô có con gái đang học tại trường THCS xã Hương Nộn.

Vì gia đình thuộc hộ cận nghèo, kinh tế phụ thuộc vào đồng lương làm phụ hồ của chồng nên cứ đến đầu năm, khi con gái hân hoan chào đón năm học mới cũng là lúc gia đình cô phải chạy vạy khắp nơi để lo toan khoản đóng góp đầu năm.

“Năm nay tôi không đi họp nhưng thấy ông nhà tôi về bảo tiền thu cao quá chú ạ. Cháu nhà tôi năm nào cùng đạt danh hiệu học sinh giỏi nên cũng phải bóp chắt, vay mượn để cho cháu nó được đi học”, cô T. chia sẻ.

Khi được hỏi về các khoản tiền đóng góp, cô T. cho biết bản thân không biết đâu là tiền bắt buộc phải đóng đâu là tiền đóng góp dựa trên tinh thần tự nguyện bởi “đi họp người ta cũng chỉ nói qua loa một lèo rồi thôi. Người dân nhớ được cái gì đâu. Về nhà thấy con bảo đóng góp bao nhiêu thì phải vay mượn mà lo cho thôi”.

Tuy nhiên, theo cô T. “Tự nguyện đóng góp nhưng mình không đóng cũng không được. Cả một cuộc họp có 30 người, 20 người đồng ý, 10 người còn lại không đồng ý cũng không giải quyết được gì.

Phú Thọ: Mập mờ trong việc thu chi tài chính tại trường chuẩn Quốc gia4Mỗi năm học mới đến, gia đình cô T. lại phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền đóng góp đầu năm cho các con

Với lại dân ở đây người ta cũng chỉ muốn yên ổn, ý kiến nhà trường lại nhớ mặt sau đó gây khó dễ cho các cháu trong chuyện học tập cũng khổ”.

Cũng giống như nhà cô T. nhà chị N. (khu 7, xã Hương Nộn) có 2 con đang theo học tại trường THCS xã Hương Nộn cũng cho biết bản thân gia đình cũng không nắm rõ được nội dung cụ thể các khoản đóng góp.

“Tôi đi họp thấy các cô cứ đọc thao thao một hồi rồi đọc tổng số tiền phải đóng. Cũng chả biết khoản nào ra khoản nào. Nhà tôi mới đi họp mỗi cháu hết gần 4 triệu. Những khoản tự nguyện như chú nói gọi là thế nhưng đều phải bắt buộc đóng hết.

Dân người ta bức xúc nhiều lắm nhưng có ai dám lên tiếng đâu. Thà rằng bỏ ra vài đồng cho con cái yên ổn học tập còn đỡ phải lo nghĩ hơn”, chị N. cho biết.

Liên quan đến những phản ánh của phụ huynh học sinh, chiều ngày 20/9, PV đã có buổi làm việc với đại diện Ban giám hiệu trường THCS xã Hương Nộn. Tại đây, nhiều mập mờ trong các khoản thu chi của trường được hé lộ.

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus/GĐVN