Thứ sáu, 01/11/2024 | 07:37
RSS

Nhà giáo nữ - những cống hiến chẳng thể đếm đo

Thứ ba, 08/03/2022, 10:13 (GMT+7)

Trong sự nghiệp giáo dục nói chung, triển khai CT GDPT 2018 nói riêng, đội ngũ nhà giáo nữ đã và đang chiếm vị trí quan trọng.

Nhà giáo nữ những cống hiến chẳng thể đếm đo

Cô Văn Thị Nết (Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận) bước sang năm thứ 16 gắn bó với giáo dục vùng cao Quản Bạ, Hà Giang. Ảnh: NVCC

Có mặt từ thành thị tới nông thôn, hải đảo tới miền núi, họ mang trong mình tri thức, nhiệt huyết, tình yêu nghề yêu trò… để tận cùng cống hiến.

Vượt thách thức, tận cùng đam mê

Nếu từng đặt chân tới những vùng rừng núi cao heo hút, được cùng ăn, ở, lắng nghe tâm sự của những nữ giáo viên vùng cao mới thấm hết biết bao thách thức mà hàng ngày họ đang phải đối diện và phải vượt qua để bám trường, lên lớp.

Cô giáo Văn Thị Nết, công tác tại Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận và chồng là giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học xã Nghĩa Thuận đều quê ở Tuyên Quang nhưng đã gắn bó với vùng cao Quản Bạ (Hà Giang) năm thứ 16.

Cô Nết chia sẻ, Nghĩa Thuận là xã biên giới khó khăn bậc nhất của Hà Giang. 100% học sinh dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, lạc hậu. Những năm trước đây người dân không mấy quan tâm tới việc học của trẻ. Để trẻ 5 tuổi được tới trường đầy đủ, đúng tuổi giáo viên vô cùng vất vả trong công tác vận động và hỗ trợ gia đình học sinh hoàn thành thủ tục.

Nhiều gia đình bố mẹ lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn, vì vậy con đủ tuổi ra lớp cũng không có giấy khai sinh. Có gia đình không quan tâm đến việc giữ gìn giấy tờ (hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh…). Thậm chí, có bố mẹ ẵm trẻ trên vai đi nương rẫy chứ không cho tới lớp...

Công việc huy động trẻ tới trường diễn ra thường xuyên và các cô giáo phải tới từng thôn xóm để tuyên truyền trước khai giảng vài tháng. Một mặt để rà soát lại danh sách, mặt khác hỗ trợ gia đình hoàn thiện những thủ tục còn thiếu. Không loại trừ cả việc giáo viên đưa gia đình, phụ huynh lên xã hoàn thiện giấy tờ còn thiếu để trẻ tới lớp được hưởng chế độ ăn bán trú…\

“Giáo viên mầm non vùng cao đâu chỉ nhiệm vụ chăm sóc, dạy bảo trẻ tới lớp. Muốn có học trò, thầy cô trở thành người tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, đồng hành với khó khăn của gia đình trẻ. Đối diện với khó khăn mà nản lòng, thiếu kiên trì thì không thể trở thành giáo viên vùng cao…”, cô Nết trải lòng.

Cũng như biết bao đồng nghiệp ở vùng xuôi lên vùng cao Nghĩa Thuận công tác, cô Nết sợ nhất mùa đông khi nhiệt độ thường xuyên dưới 10 độ. Quần áo giặt vắt tay phơi cả tuần không khô, giặt vắt máy 3 - 4 ngày vẫn ẩm.

Những bữa cơm nấu xong chỉ 10 phút chưa ăn đã lạnh. Đóng cửa trong nhà, mặc 5 - 7 lần áo vẫn rét. Những năm gần đây cơ sở vật chất các trường học được đầu tư, nâng cấp nhưng mùa đông kéo dài, khắc nghiệt vẫn khiến hoạt động giáo dục, cuộc sống của thầy trò vất vả.

Nhà giáo nữ những cống hiến chẳng thể đếm đo

Cô Văn Thị Nết (Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận) trang trí lớp học để học trò hứng khởi tới lớp. Ảnh: NTCC

Hiện vợ chồng cô Nết ở nhờ nhà công vụ của trường, con lớn gửi ở quê với bà, con nhỏ theo bố mẹ lên vùng cao để thuận tiện chăm sóc dạy bảo… “Đôi khi cuộc sống vất vả, nhớ con muốn xin chuyển vùng hoặc đổi nghề. Nhưng vì tình yêu với học trò, nghề nghiệp nên 2 vợ chồng động viên nhau vượt khó, ở lại với vùng cao biên giới Nghĩa Thuận và thỏa ước mong thầy giáo vùng cao…”, cô Nết tâm sự.

Cô  Hoàng Thị Thủy, quê Phú Thọ, gắn bó với Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) gần 10 năm nay. Trong ký ức của cô Thủy về ngày đầu tiên “đầu quân” lên huyện vùng cao Si Ma Cai dạy học là đường sá xa xôi, cách trở. Học sinh nhận thức chậm, nhút nhát trong giao tiếp…

Không những thế, học trò chủ yếu nói tiếng dân tộc nên giáo viên vất vả trong truyền đạt kiến thức, khó tương tác. Về phía phụ huynh vì điều kiện khó khăn nên việc chăm sóc, dạy bảo con trẻ gần như ủy thác cho nhà trường.

Nhưng học trò nơi đây rất ngoan, nghe lời cô giáo, không lười học... Điều đó đã động viên cô Thủy và đồng nghiệp quyết tâm ở lại nơi đây. Các cô đã dành thời gian học tiếng để trao đổi và hiểu học trò hơn trên lớp cũng như trong sinh hoạt ngoài giờ lên lớp.

Với quyết tâm không để trẻ vùng cao thiệt thòi trong học tập, cô Thủy và một số đồng nghiệp đã tình nguyện không nghỉ hè để ở lại trường hỗ trợ kiến thức cho học sinh; tự trang trí, sửa chữa lại trường lớp… Cô Thủy còn cất công tìm hiểu sâu về phong tục tập quán địa phương, gần gũi với phụ huynh để nắm bắt tình hình và duy trì sĩ số, tìm phương pháp giáo dục phù hợp.

Với nỗ lực không ngừng, vài năm gần đây, cô Thủy là một trong số không nhiều giáo viên thành công trong việc hướng dẫn học sinh triển khai các dự án khoa học kỹ thuật và đạt giải cao cả cấp tỉnh lẫn toàn quốc. Đáng nói, những sản phẩm dự thi đa số đều bắt đầu từ ý tưởng thể hiện văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục của học sinh dân tộc.

Nhà giáo nữ những cống hiến chẳng thể đếm đo

Cô giáo Hoàng Thị Thủy, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, Lào Cai) hướng dẫn học trò đoạt giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17. Ảnh: NVCC

Thắp lửa học cho trẻ em dân tộc

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thanh Hoá, cô Quách Thị Huế có 10 năm gắn bó với Trường PTDTNT liên huyện Tân Phú – Định Quán (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Cô Huế chia sẻ: “Ngày mới về trường, khó khăn chồng chất khiến tôi không khỏi thấy áp lực. Nhưng là người con dân tộc Mường, tôi đồng cảm, thấu hiểu những khó khăn của học sinh dân tộc nên luôn cố gắng để giúp đỡ các em được học hành đến nơi đến chốn. Dần dần, sự hồn nhiên, chân thành của các em trở thành sợi dây gắn kết, níu bước tôi ở lại. Không chỉ tôi, nhiều thầy cô giáo người Kinh cũng gắn bó với ngôi trường này vì họ yêu mến văn hoá, con người dân tộc”.

Khi lên lớp, thầy cô phải dạy chậm, dạy nhiều lần với tất cả sự kiên nhẫn. Những buổi học thường không có định nghĩa hết giờ. Buổi sáng, cô giáo dạy chương trình chính khoá, đến chiều dạy phụ đạo còn buổi tối, nếu học sinh chưa hiểu bài, cô Huế sẵn sàng ở lại giảng giải thêm cho các em. Hơn nữa, mỗi học sinh có phương pháp học khác nhau, nếu không kiên nhẫn, thầy cô sẽ khó truyền đạt kiến thức, từ đó, các em sinh ra sợ hãi hoặc chán nản với việc học.

Cô Huế bày tỏ: Trường PTDTNT liên huyện Tân Phú – Định Quán có khẩu hiệu “coi học sinh như con em của mình”. Với tâm thế này, giáo viên không nhìn học sinh như người học mà như con nhỏ cần dạy dỗ và uốn nắn. Hơn nữa, học sinh mới bước vào cấp 2, lại phải sống xa gia đình nên giáo viên thường xuyên tâm sự, lắng nghe khúc mắc, quan tâm đến tâm sinh lý của các em.

Trường PTDTNT liên huyện Tân Phú – Định Quán chuyển sang dạy trực tuyến từ ngày 13/9/2021. Thời gian qua, việc dạy online cho học sinh gặp muôn vàn khó khăn. Gia đình đông con nhưng các em chỉ trông cậy vào 1 - 2 chiếc điện thoại của bố mẹ, thao tác chưa quen. Phụ huynh cũng không có điều kiện lắp wifi, đăng ký 3G nên đường mạng chập chờn.

Gần 99% học sinh không có máy tính, chỉ tương tác trên điện thoại nên việc học trực tuyến khó đạt hiệu quả cao. Điều này đòi hỏi cô Huế cũng như đồng nghiệp phải tìm nhiều giải pháp hỗ trợ để “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Thầy cô soạn nội dung bài học cô đọng, chi tiết rồi chuyển sang định dạng file PDF để gửi vào nhóm Zalo học tập. Giáo viên cũng chủ động gọi điện đôn đốc, nhắc nhở học sinh làm bài tập; hướng dẫn riêng từng học sinh.

“Học sinh không có tiền gọi điện thoại, lại không thạo công nghệ nên hiếm em chủ động trao đổi bài học với thầy cô. Giáo viên phải là người tìm đến, giúp đỡ các em trong giai đoạn học tập khó khăn này. Sau khi học sinh trở lại trường, chúng tôi tiếp tục củng cố kiến thức, sẵn sàng dạy lại cho học sinh”, cô Huế bày tỏ.

Thầy Lê Văn Mười, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ: Cô Quách Thị Huế đã gắn bó thời gian dài với nhà trường. Trong thời gian công tác, cô không ngừng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm từ những thầy cô giáo đi trước. Cô Huế cùng đội ngũ giáo viên nhà trường luôn động viên, khích lệ lẫn nhau vượt qua những khó khăn của dịch bệnh để mang lại tương lai tươi sáng hơn cho học sinh dân tộc.

Ngày 14/2, Trường PTDTNT liên huyện Tân Phú – Định Quán mở cửa trở lại. Trước khi đi học, nhà trường tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ học sinh. Những em có kết quả âm tính sinh hoạt nội trú khép kín, không rời trường học để kiểm soát lây nhiễm và phòng chống dịch.

Nhà giáo nữ những cống hiến chẳng thể đếm đo

Cô Quách Thị Huế (hàng đầu, ở giữa) nhận Bằng khen Giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2021. Ảnh: NVCC

Hạnh phúc là khi trò tiến bộ

Nhà giáo nữ vùng khó vẫn đang hàng ngày kiên nhẫn, âm thầm khắc phục hoàn cảnh sống để vượt lên thử thách. Tất cả đều hướng tới đích lớn nhất là làm tốt nhất nhiệm vụ “gieo chữ, trồng người”.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều nhà giáo nữ vì yêu nghề nên cống hiến không mệt mỏi cho trò. Họ sẵn sàng kiêm nhiệm công việc vừa lên lớp dạy học vừa nấu cơm cho học sinh tại các điểm trường để dạy tiếp buổi chiều. Họ nhường cho trẻ từng miếng cơm khi nhỡ bữa, manh áo khi trời lạnh.

Thậm chí, dù đồng lương giáo viên còn hạn hẹp họ sẵn sàng ứng trước đóng học phí, mua sách truyện tặng học trò. Họ coi những cống hiến, tận tụy hy sinh của mình như chuyện đời thường, trách nhiệm, bổn phận của giáo viên vùng khó. Hạnh phúc của các cô  chính là sự tiến bộ, trưởng thành của học trò.

Cô giáo Mai Thị Lan, Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) bày tỏ: Chỉ cần học sinh không trốn bỏ học, tiếp thu được kiến thức cơ bản trên lớp, tiến bộ từng chút trong học tập… đủ làm cô giáo vùng cao hạnh phúc. Chỉ khi nào coi học trò như con, yêu nghề tha thiết thì giáo viên mới có động lực, quyết tâm hoàn thành sứ mệnh “trồng người”, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

“Hiểu văn hóa, đặc tính của học sinh sẽ giúp giáo viên thuận lợi trong quá trình dạy học và hướng dẫn nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Học sinh dân tộc khi được khuyến khích, khơi dậy tiềm năng đúng cách các em sẽ phát huy và thể hiện tốt năng lực bản thân…”, cô Thủy trao đổi. 

 

Đức Trí – Tú Anh
Theo Giáo dục & Thời đại