Thứ tư, 22/05/2024 | 05:40
RSS

Nghiện game: Chàng tiến sĩ 30 tuổi bị loạn thần, chìm đắm trong thế giới ảo

Thứ sáu, 18/08/2023, 06:57 (GMT+7)

Mặc dù tốt nghiệp tiến sĩ tại châu Âu, có việc làm ở Hà Nội nhưng do nghiện game, một nam tiến sĩ 30 tuổi đã bị loạn thần, luôn chìm đắm trong thế giới ảo và tự cô lập bản thân.

Nghiện game gây ảnh hưởng nghiệm trọng tới sức khỏe . Ảnh: vietnamnet.vn

Tình trạng nghiện game ở người trẻ ngày càng phổ biến. Tuy nhiên điều đáng nói chính là những hệ lụy do thói quen xấu này gây ra. Mới đây, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc một Bệnh viện Tâm thần tại Hà Nội chia sẻ với báo Vnexpress về câu chuyện của một bệnh nhân nam 30 tuổi.

Bác sĩ Thu cho biết khi nhập viện, bệnh nhân vẫn cầm điện thoại chơi game, thể trạng gầy gò, xanh xao, ánh mắt vô hồn, không tương tác với mọi người.

Người đàn ông tốt nghiệp tiến sĩ tại châu  u, hiện làm trong lĩnh vực kiến trúc ở Hà Nội. Theo gia đình, ban đầu anh chơi game sau giờ làm việc để giải tỏa căng thẳng, khoảng 1-2 tiếng. Sau đó, thời gian chơi tăng lên 5 tiếng một ngày rồi phụ thuộc hẳn.

Bệnh nhân tự cô lập bản thân và chìm đắm vào thế giới ảo. Ba năm gần đây, anh liên tục phải chuyển việc vì không đáp ứng yêu cầu công ty. Cuối cùng, người đàn ông ở nhà, chơi game ngày đêm. "Hôm nào không được chơi, tâm lý trở nên bất thường, quát tháo mọi người", người nhà kể.

Trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet về mức độ bệnh của nạn nhân, bác sĩ Thu kể: “Khi tôi hỏi T., em muốn có một tương lai của tiến sĩ hay chọn chơi game. Cậu ấy thờ thẫn nói rằng chỉ cần game, muốn hòa mình vào thế giới ảo”.

Bác sĩ Thu chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng nghiện game nặng, gây rối loạn tâm thần, điều trị bằng biện pháp cưỡng chế, trị liệu tâm lý và dùng thuốc. Dù vậy, bà Thu nhận định việc cai nghiện game phức tạp vì bệnh nhân đã trưởng thành, sự can thiệp của bố mẹ trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, việc cách ly người bệnh khỏi các thiết bị công nghệ khó thực hiện. 

Nhung Nguyễn (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại