Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:59
RSS

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết năm nay “khôn” hơn các năm trước?

Thứ sáu, 18/08/2017, 11:06 (GMT+7)

Nhằm tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết, cán bộ dịch tễ đến ổ dịch truy tìm bọ gậy, tìm mãi mới ra ổ bọ gậy ở... dưới khay chứa nước tủ lạnh.

Chắc chắn phải có bọ gậy thì mới có muỗi. Ngó nghiêng khắp nơi, đến khi cán bộ nhìn đến cái tủ lạnh thì mới phát hiện khay chứa nước đọng dưới tủ lạnh chứa bọ gậy!

Tại cuộc họp chiều ngày 17/8 của Bộ Y tế về tăng cường phòng chống sốt xuất huyết ông Trần Vũ Phong, Trưởng khoa côn trùng và động vật y học, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, muỗi càng ngày càng khôn ngoan; chúng biết tìm nơi con người không nhìn thấy, không ngờ tới được để sinh đẻ.

Cụ thể, trong hai ngày 16 và 17/8, khi cán bộ dịch tễ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đi giám sát ổ dịch, tại một địa chỉ có ổ dịch cách đó hơn một tuần, mọi người tìm mãi không ra ổ bọ gậy nào. Đến khi gần như “bó tay” bởi tất cả các nơi trong gia đình đó không còn chỗ nào là không bị nhòm ngó. Sau một người phát hiện ra còn mỗi cái tủ lạnh. Khi “soi” tủ lạnh thì tất cả ồ lên vì ổ bọ gậy nằm ở khay chứa nước đọng dưới tủ lạnh.

Theo đại diện ngành Y tế Hà Nội nếu như các năm trước, mỗi gia đình chỉ có khoảng 5-6 vật dụng chứa nước, thì năm nay, theo khảo sát có những hộ gia đình có tới 33 vật dụng chứa nước. Đây cũng là những nơi tiềm năng để muỗi đẻ trứng.

Sốt xuất huyết

Bất cứ nơi nào chứa nước, nơi ấy có thể sinh bọ gậy. Ảnh: Báo Tin tức

Hiện ngành y tế đang tăng cường phun hóa chất diệt muỗi, thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy, thế nhưng, tại các gia đình, nếu không chú ý tự diệt bọ gậy ở các ngóc ngách trong nhà, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết... thì sau khi phun thuốc, muỗi vẫn tiếp tục sinh sản và xuất hiện trở lại.

Đấy là còn chưa kể, một số gia đình còn bất hợp tác với cơ quan y tế, không cho phun thuốc trong nhà mình với đủ các lý do; hoặc cho phun nhưng chỉ phun ở tầng dưới, không cho lên các tầng trên, trong khi như đã kiểm tra, đôi khi bể nước trên mái nhà lại là nơi chứa bọ gậy và muỗi.

Theo các chuyên gia dịch tế, để phòng sốt xuất huyết triệt để, bảo vệ chính mình và người thân, mọi người cần tăng cường các biện pháp cá nhân và gia đình, không được chủ quan, không nên chỉ trông chờ vào ngành y tế.

Sot xuat huyet

Hình ảnh muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Muỗi không thích lạnh, sợ gió và thích ở cùng con người trong nhà ấm cúng. Vì vậy, tại các gia đình, ngoài việc không để bất cứ vật dụng nào làm nơi sinh sản của muỗi, mọi người nên chủ động sử dụng các kem bôi muỗi, xịt chống muỗi, hương đuổi muỗi; nằm màn kể cả ban ngày. Nói chung, không có muỗi, không để muỗi đốt thì sẽ không có sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 16/8, từ đầu năm đến nay Hà Nội có 17.365 người mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Trong đó, số mắc cộng dồn cao nhất ở các quận Đống Đa (2.921), Hoàng Mai (2.916), Hai Bà Trưng (1.579), Thanh Xuân (1.414) trường hợp. 

Sốt xuất huyết và những điều bạn phải biết. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN