Thứ bảy, 27/04/2024 | 22:50
RSS

Hồ Suối Hai đang bị bức tử và những cảnh tượng đau đớn khiến nhiều người phẫn nộ

Thứ năm, 08/03/2018, 09:12 (GMT+7)

Nước chỗ màu cà phê, chỗ đen kịt, cá nằm phơi bụng, không khí đặc quánh mùi hôi thối… Cảnh tượng kinh hoàng này đang diễn ra ở đầu nguồn hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội), nơi vốn được xem là thiên đường xanh, sạch.

Nơi sơn thủy hữu tình bị hủy diệt thành "vùng nước chết"

Từ hơn nửa thế kỷ trước, ngoài việc cung cấp nước tưới cho cả ngàn héc-ta hoa màu, hồ nhân tạo Suối Hai còn là lá phổi xanh ở phía tây Hà Nội Nước hồ xanh biếc, khí hậu mát lành nên nơi đây là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch thập phương.

Thế nhưng, vài năm gần đây, "lá phổi xanh" ấy đang dần đi vào… cõi chết. Theo người dân địa phương, với việc bức tử hồ Suối Hai ngày một "tàn nhẫn" như hiện tại thì chỉ vài năm nữa mảnh đất thiêng Ba Vì sẽ mất hẳn vẻ hữu tình, không còn là nơi "nước biếc non xanh".


Chỉ những khu gần đập, mặt nước rộng, hồ Suối Hai mới thực sự sạch

Dẫn chúng tôi dạo mặt hồ bằng xuồng máy, ông Chu Trọng Khanh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy sản và Dịch vụ Du lịch Suối Hai đã tỏ thái độ vô cùng bức xúc. "Đời ông, cha chúng tôi đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức để có hồ nước mênh mông này. Ấy vậy mà người ta sẵn sàng hủy diệt theo cách không thể độc ác hơn!", ông Khanh phẫn nộ. 

Ông Khanh là người gắn bó với hồ Suối Hai từ tấm bé. Cha, chú ông là những công nhân xẻ núi, ngăn đập xây dựng hồ nhân tạo này. Trưởng thành, tiếp nối thành quả của thế hệ trước, ông cũng lấy mênh mông nước hồ Suối Hai làm lập nghiệp. "Nhìn hồ bị bức tử chúng tôi như đứt từng khúc ruột", ông Khanh rầu rĩ chia sẻ.


Nơi thượng nguồn, giáp với Khu xử lý rác thải rắn Xuân Sơn, nước hồ đã chuyển màu, cả vùng hồ rộng lớn chỉ còn là vùng nước chết.

Theo ông Khanh, hồ Suối Hai rộng chừng 90 héc-ta nhưng nhiều điểm đã bị ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt, vùng thượng nguồn thuộc thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh thì từ vài năm nay đã thành… "vùng nước chết". 

Nước hồ đen kịt, cá chết trắng bụng, không gian đặc quánh mùi xú uế

Đúng như lời ông Khanh, khu vực gần bờ đập, nước hồ trong xanh nhưng đến gần khu "vùng nước chết", hồ chuyển màu, từ vàng sang nâu sẫm rồi đen kịt. 

Buộc xuồng máy tại một bờ đất gồ lên, nơi mà theo ông Khanh, từ vài năm trước, người dân đã đắp vội để ngăn không cho nước thải từ thượng nguồn đổ xuống hồ, ông Khanh bảo: "Bờ đất này như là ranh giới giữa dương gian và âm phủ ấy. Sinh vật nào từ hồ lọt vào đây cũng đều… nằm phơi bụng cả". 


Những bờ đất được dựng lên để ngăn nước thải nhưng đã bị phá một đoạn dài.

Quan sát, chúng tôi thấy có tới 2 bờ đất như những con rắn khổng lồ vắt ngang lòng hồ được dựng lên. Tuy nhiên, những bờ đất ấy đều bị đục thủng một đoạn rộng đến vài mét để nước từ "vùng nước chết" chảy thông với lòng hồ lớn. Theo lý giải của ông Khanh thì người ta làm vậy là để… phi tang nước thải. 

Phía bên kia bờ đất, mạn thượng nguồn, nước hồ như một ly cà phê đen đặc. Đương nhiên, nước ấy thì không cá tôm nào có thể trú ngụ. 

Những con cá xấu số vô phúc "vượt vũ môn" từ chỗ người ta "mở đường máu" ấy đều nằm phơi bụng bởi không tìm được đường về. Ngay "cửa tử" ấy, chúng tôi thấy có nhiều xác cá nổi lềnh phềnh, bốc mùi nồng nặc.


Nước hồ ô nhiễm nghiêm trọng, cá chết nổi trương phềnh

Càng tiến sâu vào phía thượng nguồn, mức độ ô nhiễm càng trầm trọng. Không khí đặc quánh mùi xú uế. 

Không thể "kháng cự" được với thứ mùi khó chịu ấy, chúng tôi buộc phải rời xuồng để lên bờ. Tuy đã cách xa mép nước tới vài trăm mét nhưng cả đoàn chúng tôi vẫn cảm thấy khó thở, tức ngực mỗi khi có cơn gió thoảng qua.

Thủ phạm bức tử hồ Suối Hai là Khu xử lý rác thải?

Theo ông Khanh, thủ phạm đang đêm ngày bức tử hồ Suối Hai là Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) nằm trên địa bàn xã Xuân Sơn và xã Tản Lĩnh. "Nước thải từ bãi rác không biết đã qua xử lý hay chưa nhưng được tống thẳng xuống hồ", ông Khanh cho biết.

Theo chân ông Khanh, lần theo những hố nước đen ngòm, chúng tôi tìm tới bãi rác Xuân Sơn, nằm cách cạnh "vùng nước chết". Bãi rác xây tường bao cao quá đầu người. Đứng ngoài ngó lên, thấy những đống rác khổng sừng sững như núi. "Đây, nước thải bức tử hồ đổ ra từ đây", ông Khanh chỉ tay vào miệng cống dưới chân tường rào, cách chỗ chúng tôi đứng không xa.

Đó là miệng cống nằm chìm dưới chân tường gạch, có đường kính gần 1m. Chúng tôi đến vời thời gian giữa trưa, nước thải hôi thối vẫn còn róc rách chảy. 


Miệng cống xả thải của Khu xử lý chất  thải rắn Xuân Sơn. Nước ở khu vực này đen đặc, nồng nặc hôi thối.

Tìm cách vượt tường ngó vào trong, thấy cống ngầm này được nối với một con mương rộng cả mét, sâu quá đầu người. Mương nước này được đào sát chân tường rào, chạy thẳng lên nơi có những núi rác khổng lồ.

Theo chân ông Khanh, chúng tôi tiếp tục đột nhập vào trong bãi rác. Men theo mương nước, chúng tôi tới một ao chứa nước thải nằm cao hơn mặt hồ Suối Hai tới vài mét. 

"Đây, nước thải của cả khu xử lý rác được tập trung về đây để xả xuống hồ. Không biết trước khi xả người ta đã xử lý thế nào nhưng như các anh thấy đấy, khu vực này thành vùng nước chết là do việc nhà xả nước thải này", ông Khanh nhận định.


Mương nước thải dẫn từ Khu xử lý chất thải rắn đổ ra hồ Suối Hai

Ông Nguyễn Tiến Khải nguyên là trưởng thôn Hiệu Lực. Ông mới rời vị trí từ cuối năm 2017. Theo ông Khải, việc khu vực hồ ngay sát thôn bị "bức tử" đã khiến dân thôn ông bức xúc, phẫn nộ từ nhiều năm nay. 

Trước đây, dân thôn ông sống bám mặt hồ bằng việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nhưng từ khi nước hồ bị hủy hoại thì việc sống cạnh hồ cũng là… đại họa. "Chúng tôi không biết người ta xử lý nước thải thế nào, nhưng với những gì đang diễn ra thì không thể nói là nước thải ấy đạt tiêu chuẩn", ông Khải nhận định.

"Nếu đủ tiêu chuẩn thì cá tôm phải sống được chứ đằng này có con nào tồn tại ở khu vực ấy đâu. Đến ốc biêu vàng bò vào gặp nước ấy còn bỏ mạng nữa là. Người dân chúng tôi kêu nhiều lắm nhưng nào có thấu đâu!", ông Khải đau xót.


Hồ chứa nước thải của Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn

Theo ông Khải, bức xúc với việc xả thải trên, dân thôn ông đã nhiều lần kêu cứu với chính quyền, cơ quan chức năng, thậm chí lập cả đội để bắt tại trận việc xả thải của Khu xử lý rác nhưng tất cả đều vô hiệu. Những phẫn nộ, bức xúc của người dân cứ trôi vào thinh không như dòng nước thải tan theo mênh mông nước hồ.

"Đời con cháu tôi sẽ không còn hồ Suối Hai thơ mộng nữa…"

Nhà ở ngay sát mép hồ, đối diện với cống xả thải nên ông Phạm Văn Viên nắm rõ "quy trình xả thải" của Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn. "Trước đây người ta xả thải ban ngày nhưng bây giờ việc ấy chỉ diễn ra vào ban đêm", ông Viên cho biết.

Theo ông Viên, việc xả thải ấy đêm nào cũng diễn ra. Từ bờ hồ bên này vẫn nghe thấy tiếng nước chảy ồ ạt, những đêm trăng sáng còn thấy miệng cống tuôn bọt trắng xóa. "Người ta thường xả từ 22 giờ đến gần sáng. Có cả ngàn mét khối nước thải được đổ xuống hồ mỗi đêm", ông Viên cho biết.

"Chúng tôi đã báo việc này với xã, thậm chí còn bắt quả tang việc xả thải trên và xã cũng đã nhiều lần xuống lập biên bản vụ việc nhưng cũng không thấy thay đổi gì!", ông Viên bức xúc.

"Các anh cứ ở đây vài tối sẽ thấy việc xả thải khủng khiếp này. Nhìn đau xót lắm! Nếu việc này cứ tiếp tục tái diễn thì chỉ thời gian ngắn nửa thôi, hồ Suối Hai sẽ bị hủy diệt. Khi ấy thì tiền chất cao như những núi rác thải kia cũng chẳng cứu được!", ông Viên chua chát.


Cứ đêm đến, nước thải từ Khu xử lý chất thải rắn lại xuối xả tuôn xuống hồ, ảnh cắt từ clip ghi việc xả thải đêm 7/3/2018.

Thể hiện sự đau đớn tột cùng của mình, suốt mấy đêm liền, ông Viên đã cùng chúng tôi mật phục để thực mục sở thị cảnh tượng người ta bức tử hồ Suối Hai. Đúng như lời người nông dân cả đời gắn bó với hồ nước thơ mộng này, cứ khi người trong thôn chìm vào giấc ngủ thì cống nước thải lại xối xả tuôn. 

Ông Viên bảo, đã nhiều lần chứng kiến việc xả thải kinh hoàng này nhưng lần nào cũng vậy, cứ thấy dòng nước đen sẫm, nồng nặc mùi hôi thối sầm sập đổ xuống lòng hồ một thời mát trong, thơm lành thì ông lại thấy mình như đứt từng khúc ruột. 

"Đời con, cháu tôi chắc không còn được sống với hồ nước thơ mộng này nữa", ông Viên xa xót.


Ông Viên lo lắng vì chỉ thời gian ngắn nữa, cứ đà bức tử này thì hồ Suối Hai sẽ không còn

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh thừa nhận việc hồ Suối Hai đang bị bức tử, môi trường quanh khu vực bãi rác đang bị ô nhiễm trầm trọng. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dân kêu lên xã, xã cũng chỉ biết "kêu" lên cấp trên thôi chứ cũng không thể có giải pháp gì…


Video Hồ Suối Hai đang bị bức tử và cảnh Khu xử lý chất thải rắn xả thải xuống hồ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm Phóng viên
Theo Đời sống Plus/GĐVN