Thứ ba, 19/03/2024 | 14:47
RSS

Vũ Đoài, Thái Bình: Tàu cát “lộng hành”, người dân mất ăn mất ngủ giữ đất?

Thứ năm, 18/01/2018, 16:36 (GMT+7)

Mặc cho tình trạng nhiều tàu cát “lộng hành” ở khu vực sông Hồng chảy qua xã Vũ Đoài khiến người dân mất ăn mất ngủ, chính quyền địa phương vẫn tỏ ra không biết, hoặc cố tình “làm ngơ"?

Tàu cát lộng hành, người dân mất ăn mất ngủ giữ đất
Tàu cát “lộng hành” người dân mất ăn mất ngủ canh giữ đất nông nghiệp...

Người dân mất ăn, mất ngủ giữ đất

Tình trạng tàu cát "lộng hành", khai thác tài nguyên với nhiều tàu hút cát công suất lớn trên lưu vực sông Hồng chảy qua xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) khiến người dân vô cùng bức xúc. Cho rằng chính quyền không xử lý nên người dân đã phản ánh tình trạng trên đến chuyên trang Đời sống Plus.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, PV đã về địa phương để tìm hiểu thực tế. Ngày 11/1/2018, theo quan sát tại điểm “nóng” trên, khúc sông khoảng 1km xuất hiện nhiều tàu hút - chở cát, hoạt động công khai như một đại công trường khai thác.

Người dân xóm An Nghĩa Tân cho biết, sự việc bắt đầu từ tháng 11/2016. Kể từ đó đến nay, cả ngày lẫn đêm có hàng trăm lượt tàu hút cát ra vào hoạt động hết công suốt, vận chuyển hàng vạn m3 cát mỗi ngày, gây sạt lở, lún bờ sông, nứt lở bờ kè.

Không những vậy, những tàu khai thác cát này còn gây ra tiếng ồn khủng khiếp làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, khiến họ trong tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Tàu cát lộng hành người dân mất ăn mất ngủ giữ đất 7
Hàng trăm lượt tàu hút cát ra vào hoạt động hết công suốt, vận chuyển hàng vạn mét khối cát mỗi ngày, gây sạt lở, lún bờ sông, nứt lở bờ kè...

Trao đổi với PV, ông N. M. bức xúc: “Việc khai thác đã làm lở hết đất canh tác của chúng tôi, hàng trăm mét đất đã bị cuốn trôi, có chỗ chỉ còn cách chân đê 1 đến 2m. Nếu có bão lũ về đê sẽ bị vỡ, hàng trăm con người sẽ trở thành tôm cá hết. Chúng tôi đã làm đơn kêu cứu lên các cấp chính quyền nhiều lần. Cụ thể, 7 lần lên huyện Vũ Thư, 2 lần lên tỉnh Thái Bình, 2 lần lên Văn phòng Chính phủ, nhưng vẫn không được giải quyết. Chúng tôi sống thế nào được bây giờ?”.

Cùng cảnh ngộ, bà H. N. nói: “Mỗi khi phát hiện tàu hút cát, chúng tôi thông báo cho chính quyền, thì các tàu phân tán đi hết, chỉ còn dòng sông trắng. Khi các cơ quan chức năng đi khỏi, các tàu lại lần lượt quay trở lại. Chúng tôi đã phải làm chòi để canh giữ đất, ngày cũng như đêm, lúc nào cũng phải có 2 người canh”.

Chính quyền thờ ơ?

Trao đổi với PV, ông Phạm Tiến Nhiệm – Trưởng Công an xã Vũ Đoài cho biết: “Vấn đề khai thác cát trên sông Hồng, thuộc địa phận quản lý của xã Vũ Đoài. Tuy nhiên, một số hộ dân xã Duy Nhất lại nằm ở đúng địa phận đó nên khó quản lý và giải quyết vấn đề. Việc hút cát thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình, chúng tôi chỉ giám sát và báo cáo lên trên mà thôi”.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị tiếp cận các văn bản báo cáo lên cấp trên, ông Nhiệm trả lời: “Hiện tại không có văn bản nào, chúng tôi chỉ báo cáo lên trên bằng miệng, bằng điện thoại mà thôi”. Ngạc nhiên hơn, vị này còn khẳng định: “Không biết việc có công ty đang hút cát trên sông”.

Còn theo ông Đỗ Hữu Khiêm, Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài: “Công ty đang thực hiện việc khai thác cát là Công ty SHC. Công ty này đã được cấp giấy phép hoạt động, nhưng hiện nay chúng tôi không có văn bản nào về công ty này, tôi chỉ được nhận thông báo như vậy, xã cũng không có thẩm quyền giải quyết và xử lý…”.

 Tàu cát lộng hành người dân mất ăn mất ngủ giữ đất 3
Đất canh tác của người dân sụt lún nghiêm trọng

Trên thực tế, nạn “cát tặc” đang bùng phát trở lại trên lưu vực sông Hồng thuộc địa phận xã Vũ Đoài quản lý đã gây bức xúc trong quần chúng, gây mất trật tự an ninh, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. 

Câu hỏi đặt ra ở đây, là khi người dân thông báo để cơ quan chức năng xuống hiện trường kiểm tra, các chủ tàu lại biết trước và di tản? Liệu có “luật ngầm” nào ở đây hay không? Những câu hỏi này xin được dành lại cho các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình trả lời.

Chuyên trang Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Hữu Nam - Nhật Tân
Theo Đời sống Plus/GĐVN