Chủ nhật, 19/05/2024 | 06:01
RSS

Viện Vật lý địa cầu công bố nguyên nhân gây động đất liên tục ở Kon Tum

Thứ tư, 11/05/2022, 15:00 (GMT+7)

Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) đã có báo cáo khảo sát của các chuyên gia và các nhà khoa học về đánh giá hoạt động động đất tại khu vực H.Kon Plông (Kon Tum) và lan cận.

Sự kiện:
Kon Tum

Theo báo Người lao động, sáng nay (11/5), Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) đã có báo cáo khảo sát của các chuyên gia và các nhà khoa học về đánh giá hoạt động động đất tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) và lân cận.

Viện Vật lý địa cầu cho biết, trước tình hình động đất bất thường xảy ra liên tiếp trong hơn một năm qua (từ tháng 3/2021 – 4/2022) tại Kon Tum, đơn vị này đã tổ chức khảo sát thực địa, đánh giá hoạt động động đất tại đây.

Từ ngày 19 - 29/4, Đoàn liên ngành Bộ KH-CN và Viện Hàn lâm KH-CN đã có buổi làm việc với các đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Kon Tum và các chủ đầu tư thủy điện (Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh) để thảo luậ bước đầu về nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Theo kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của động đất, cho đến thời điểm hiện tại, Viện Vật lý địa cầu kết luận, các trận động đất xảy ra trong hơn 1 năm qua có độ lớn từ 1,6 - 4,5 độ Richter tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận gây chấn động lớn nhất là cấp 5 theo thang MSK-64. Với cường độ chấn động như vậy là chưa đến mức độ nghiêm trọng.

Về nguyên nhân gây ra các trận động đất này, báo cáo của Viện Vật lý địa cầu cũng nêu rõ theo nhận định ban đầu, động đất tại khu vực này là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thuỷ điện cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Viện Vật lý địa cầu công bố nguyên nhân gây động đất liên tục ở Kon Tum

Hàng trăm trận động đất gây xáo trộn cuộc sống người dân ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: sức khỏe & Đời sống

Theo Viện Vật lý địa cầu, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh và thủy điện. Ngoài ra, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực.

Do đó, cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ/ngành, địa phương và các đơn vị quản lý khai thác thủy điện trên địa bàn.

Theo VOV, từ kết quả bước đầu, Viện Vật lý địa cầu cho biết, sẽ làm việc với các bên liên quan thiết lập nhanh mạng trạm quan sát động đất địa phương (dự kiến gồm 8 trạm, trong đó có 3 trạm đã triển khai từ tháng 5/2021) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời.

Viện Vật lý địa cầu đang đề xuất trong thời gian sớm nhất với Bộ Khoa học và công nghệ xây dựng nhiệm vụ "Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra" với các nội dung chính là làm rõ nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận. Mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa; dự báo xu thế hoạt động động đất; đánh giá độ nguy hiểm và xây dựng các kịch bản ứng phó có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.

Bên cạnh đó, Viện Vật lý địa cầu cũng sẽ thực hiện ngay nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận.

Theo báo Thanh niên, thống kê của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, thời gian gần đây, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có xảy ra thường xuyên và mạnh dần.

Cụ thể, từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực này đã ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ Richter trở lên. Đặc biệt, trong 4 ngày 15 - 18/4, động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với 22 trận, có độ lớn từ 2.5 - 4.5 độ Richter.

Như vậy, các trận động đất gần đây lớn hơn so với lịch sử và tần xuất ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, số trận động đất trong 1 năm qua tăng gấp 5 lần so với hơn 100 năm cộng lại.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại