Thuốc hay thực phẩm chức năng?
Chỉ cần gõ từ khóa “thuốc điều trị ung thư” và mục tìm kiếm của Google, ngay lập tức trang web cho ra 935.000 kết quả/0.23 giây. Khinhấp thử vào 1 đường link trên trang tìm kiếm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đọc những lời quảng cáo có trên trang như: Tăng cường hệ miễn dịch; hạn chế sự phát triển và tăng cường tiêu diệt khối u; phòng chống viêm nhiễm và các bệnh nhiễm khuẩn; hạn chế tác dụng phụ khi hoá trị và xạ trị, chống phơi nhiễm phóng xạ....
Để tìm hiểu cụ thể hơn chúng tôi đã gọi điện cho một số điện thoại rao bán loại “thuốc” trị ung thư, một nhân viên bán hàng cho biết: “Loại này là hàng xách tay của Mỹ, với giá 700.000/hộp với nhiều tác dụng như đào thải độc tố, ngăn chặn sự hình thành chân mạch, trong ung thư thì ngăn chặn sự di căn, tăng cường miễn dịch, tạo sự chết theo chương trình của tế bào ung thư. Đây là sản phẩm từ thiên nhiên, chiết xuất từ tảo nên không có tác dụng phụ”.
Chỉ cần gõ google người dùng có thể tìm thấy hàng loạt lời quảng cáo về thuốc điều trị ung thư. Ảnh minh họa
Chúng tôi tiếp tục gọi điện cho một số điện thoại khác trên một trang web khác để hỏi về loại “thuốc” điều trị ung thư. Người bán hàng cho biết: “Loại nào hợp “thuốc” là loại ấy tốt, chứ không phải loại nào tốt hơn loại nào. Và có rất nhiều loại khác nhau với các mức giá khác nhau như 1.200.000/hộp, loại 3.200.000/hộp hay 6.900.000/hộp. Tiền nào của nấy cả, uống mấy loại thuốc rẻ thì tác dụng không được tốt”.
Với lời giới thiệu “trên mây” rằng: “Loại này có rất nhiều tác dụng, tuy nhiên mình chỉ nên chú trọng vào bệnh của mình, thì đối với điều trị ung thu gan cái này sẽ giúp đào thải các tế bào ung thư, ngăn ngừa di căn với lại tăng cường hệ miễn dịch cho mình. Ngoài ra còn một số tác dụng khác như: tốt cho dạ dày, tim mạch nữa.....”.
Không chỉ có các trang mạng rao bán thuốc từ Mỹ, ngoài ra, còn có những loại “thuốc” khác có nguồn gốc từ Nhật Bản Với những công dụng tương tự nhau, chỉ khác rằng mức giá của chúng có sự chênh lệch.
Qua tìm hiểu, những loại “thuốc” được rao bán tràn lan trên các trang mạng với nhiều nguồn gốc, xuất xứ khác nhau nhưng giữa chúng đều có một điểm chung đó là sự nhập nhằng giữa “thuốc” và thực phẩm chức năng.
Cần tỉnh táo trước 'ma trận' thuốc điều trị ung thư
Sử dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe đã trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo chất lượng như quảng bá.
Người tiêu dùng không nên tin vào lời quảng cáo về thực phẩm chức năng hay thuốc điều trị chống ung thư. Ảnh minh họa
Nói về tinh trạng trên, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, trên thị trường hiện nay không có loại thuốc nào điều trị ung thư, mà đó chỉ là những loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư. Những cơ sở quảng cáo đó là “thuốc” chắc chắn là vi phạm quy định.
Về cơ bản, thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên không có tác dụng điều trị hay hỗ trợ điều trị. Để chữa bệnh thì người bệnh phải đi khám, uống thuốc và thực hiện các phác đồ điều trị phù hợp của bác sỹ. Do đó, việc doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng dưới danh nghĩa thuốc hỗ trợ điều trị ung thư để bán hàng với giá trên trời là lừa đảo người tiêu dùng.
Hiện nay, Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN, trong đó đề cập đến sản xuất, kinh doanh công bố sản phẩm, ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng TPCN.
Do đó, theo ông Phong, người dùng nên tỉnh táo trước "ma trận" các loại thuốc và lời quảng cáo ngon ngọt của người bán hàng. Bởi nếu sử dụng thuốc không chính hãng, không có nguồn gốc rõ ràng sẽ vô cùng nguy hiểm cho người sử dụng. Thậm chí còn mất tiền oan mua phải những loại thực phẩm chức năng giả mạo.