Thứ năm, 18/04/2024 | 18:03
RSS

Sau bao nhiêu năm, dị nhân vẫn "ở truồng" sinh sống cùng vợ con nơi bãi giữa sông Hồng

Thứ bảy, 10/06/2017, 07:00 (GMT+7)

“Đừng nên đánh giá con người qua cách ăn mặc. Ở thế giới bên ngoài họ coi tôi là kỳ dị vì tôi khác biệt với họ nhưng bạn vào đây thì chúng tôi lại thấy bạn và bộ quần áo bạn đang mặc thật kệch cỡm và khuôn khổ”.

Nhắc đến gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng (Hà Nội) nổi tiếng xa gần, người dân nơi đây vẫn thường gọi thân mật họ là "gia đình ở truồng" hay "gia đình tắm tiên ở bãi sông Hồng". 

Vợ nhặt thời hiện đại

Từ cây cầu Long Biên lịch sử có một con dốc nhỏ, dựng đứng rộng chừng 1,5m. Đó là con đường độc đạo dẫn xuống bãi giữa sông Hồng. So với khung cảnh náo nhiệt, ồn ã của thủ đô hoa lệ, bãi giữa sông Hồng hiện ra như một thế giới hoàn toàn khác.

Gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng 1

Nơi sinh sống của gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng. Ảnh: Duẩn

Ở bãi giữa sông Hồng chỉ toàn cây cỏ, hiếm lắm mới thấy sự xuất hiện của con người. Trong khu vườn chuối rậm rạp ngay gần một sân bóng tự tạo có một gia đình kỳ lạ. 

Đó là gia đình của anh Nguyễn Nghĩa Tuấn (43 tuổi). Tuy nhiên, ở đây, người ta biết nhiều đến anh với cái tên Tuấn “trọc”. Trong lần đầu tiếp xúc, Tuấn “trọc” hiện lên trước mắt tôi là một người đàn ông cao lớn, thân hình vạm vỡ, nước da đỏ au, cái đầu cạo trọc lóc, giọng nói lưu loát và đặc biệt là lúc nào cũng ở truồng.

Gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng 2

Anh Tuấn "trọc" từ bỏ cuộc sống ồn ào để dắt díu vợ con về bãi giữa sông Hồng sinh sống. Ảnh: Duẩn

Gần 4 năm trước, anh Tuấn nổi tiếng trên các mặt báo về câu chuyện nhặt được vợ từ bãi rác. Khi ấy, cả gia đình anh sinh sống trong căn hộ chung cư đẹp có tiếng của đất Thủ đô.

Từ khi còn chưa đưa vợ con ra “đảo” để bắt đầu cuộc sống như thời kì nguyên thủy của mình, anh Tuấn “trọc” vẫn được nhiều người biết đến với lối sống lập dị và có phần “điên”.

Đưa cho tôi “cốc nước sông vẫn chưa đun nấu gì”, anh Tuấn mở đầu cuộc trò chuyện bằng một loạt những triết lý đạo Phật. “Gia đình tôi đều theo đạo Phật, những cám dỗ ở đời phù phiếm quá nên sau một thời gian giác ngộ tôi đã quyết định đưa vợ con về đây để để ở” - anh Tuấn nói.

Gia dinh di nhan o bai song hong 3

Bên trong căn nhà của gia đình cởi truồng tắm sông không có thứ gì đáng giá. Ảnh: Duẩn

Trước khi “kết hôn” cùng người vợ hiện tại, người đàn ông trụ cột trong gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng cũng từng trải qua 4 đời vợ. Có những người được cưới hỏi đàng hoàng, cũng có những người chỉ đơn giản là đưa về nhà để sống cùng nhau.

Tuy nhiên, tất cả những mối tình đó đều kết thúc một cách nhanh chóng. Tuấn bảo: “Với tôi, tình cảm nam nữ cũng chỉ như một cuộc chơi thôi. Thứ còn lại sau những ân ái đó đều là trái đắng nên ta không nên vương vấn”.

Bảo thế nhưng Tuấn còn nhớ rất rõ những người vợ trước đó của mình. Cô vợ đầu sinh năm 1978, cô vợ thứ 2 sinh năm 1973, cô vợ thứ 3 sinh năm 1969 và cô thứ 4 sinh năm 1978. Chị Mùi là người đàn bà thứ 5 trong cuộc đời của gã và cũng là người hơn gã nhiều tuối nhất (11 tuổi).

Gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng 5

Đôi vợ chồng Tuấn - Mùi trong gia đình cởi truồng tắm sông Hồng. Ảnh: Duẩn

Gã cũng nhớ như in từng công việc của những người vợ cũ. Gã cho biết, ngoài cô vợ đầu tiên làm nghề hàng xáo để sinh sống, cả 4 người tiếp theo đó đều là những người lang thang được gã dắt về.

Năm 2006, trong một lần đạp xe đi dạo, Tuấn bất ngờ gặp chị Lê Thị Mùi đang nhặt rác. Cảm thông trước số phận của người phụ nữ đáng thương, anh Tuấn đã dẫn chị về nhà.

Trước khi gặp Tuấn, chị Mùi cũng đã từng trải qua một đời chồng và có 3 đứa con. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng lại không được viên mãn, chồng chị Mùi nghiện hút, nhiễm HIV, thêm vào đó lại nợ nần như chúa Chổm. Cứ dăm ba hôm, chủ nợ lại kéo lê mã tấu đến nhà đòi nợ.

Gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng 6

Bất kể thời tiết như nào, anh Tuấn vẫn không mặc quần áo. Ảnh: Duẩn

Sau cùng, chị Mùi cũng chẳng biết người chồng đi đâu nữa, hắn chỉ để lại cho chị 3 đứa con thơ cùng một đống nợ nần. Hết đường sinh sống, chị Mùi gửi lại 3 đứa con cho hàng xóm nuôi hộ rồi lưu lạc đến cầu Long Biên, lấy nghề nhặt rác kiếm kế sinh nhai sống qua ngày.

Thế rồi như một sự sắp đặt, Tuấn gặp chị, rồi “nhặt” chị về để làm vợ. Không cưới hỏi, không đám cưới linh đình, thậm chí không nhận được sự chấp thuận từ phía gia đình.

“Hồi đó gia đình tôi phản đối ghê lắm. Vợ tôi khi đó cũng đã trải qua 2 đời chồng và cũng có 3 người con riêng, hơn nữa lại có vấn đề về thần kinh.

Cưới nhau về, có với nhau được một mặt con nhưng cô ấy thường hay lên cơn, mỗi lần như thế cô ấy lại cởi hết quần áo ra chạy nhảy khắp nơi nên mẹ tôi rất ghét, nhiều lần đuổi ra khỏi nhà”, anh Tuấn "trọc" nhớ lại.

Bỏ chung cư ra sống ở ven sông

Việc Tuấn tự dưng đưa một người đàn bà không rõ nguồn gốc về nhà làm vợ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình. Đã nhiều lần, bố mẹ Tuấn đánh bài ngửa khi bắt Tuấn phải chọn lựa giữa bố mẹ và “vợ”.

Thương vợ con, Tuấn quyết định bỏ cuộc sống trong căn hộ chung cư rồi dắt vợ cùng đứa con nhỏ ra bãi giữa sông Hồng bắt đầu cuộc sống như một thổ dân. Tuấn kể, ban đầu khi mới chuyển ra sinh sống ở đây, gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng gặp phải muôn vàn khó khăn.

Không một tấc đất cắm dùi, Tuấn chọn một khoảng đất nhỏ nằm sát bên bờ sông Hồng gom tre nứa dựng thành một căn lều nhỏ rồi cùng vợ ở đó đến bây giờ.

Gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng 7

Anh Tuấn không muốn mọi người đánh giá mình qua cách ăn mặc. Ảnh: Duẩn.

Cuộc sống của gia đình Tuấn dưới bãi sông Hồng vô cùng giản đơn. Thực phẩm hằng ngày là rau dại mọc ở bãi ven sông. Nước sinh hoạt dùng để tắm rửa, nấu ăn thì lấy ở dưới sông Hồng lên dùng.

Chia sẻ về lý do luôn ở trần truồng của mình, Tuấn cho biết: “Tôi theo đạo Phật từ nhỏ, quần áo là những thứ làm con người trở nên nặng nề. Khi trút bỏ được những thứ đó, con người mới hòa mình vào với thiên nhiên. Đó mới là điều tôi thích”.

Khi được hỏi việc ở trần truồng như vậy có bị mọi người chê cười, Tuấn cất giọng điềm tĩnh đáp lại: “Đừng nên đánh giá con người qua cách ăn mặc. Ở thế giới bên ngoài họ coi tôi là kỳ dị vì tôi khác biệt với họ, nhưng bạn vào đây thì chúng tôi lại thấy bạn và bộ quần áo bạn đang mặc thật kệch cỡm và khuôn khổ”.

Gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng 8

Dù nghèo nhưng gia đình cởi truồng tắm sông Hồng vẫn nuôi rất nhiều mèo. Ảnh: Duẩn

Tuấn cho biết, trước đây, vợ và con gái Tuấn là cháu Nguyễn Đức Hạnh cũng thường xuyên trong tình trạng không một mảnh vải che thân. Tuy nhiên, sau khi được nhiều người khuyên bảo, Tuấn đã tập cho vợ con quen với việc mặc quần áo trong khi bản thân lại không thể quen được với việc đó.

Tự nhận mình là một người đã ngộ ra được cảnh giới cao nhất của Phật học nên Tuấn luôn coi trọng sự từ bi. Vợ con cơm ăn chẳng đủ lo nhưng gia đình ở truồng lại nuôi đến 28 con mèo, 1 con vịt và theo như lời Tuấn, gã chẳng bao giờ để cho những người bạn thân yêu của mình phải nhịn đói.

Gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng 9

Chị Lê Thị Mùi trước kia cũng không thích mặc quần áo như chồng. Ảnh: Duẩn

Là một người luôn tin tưởng vào Phật học nên cách dạy con của Tuấn cũng rất đặc biệt. Mặc dù con gái đã đến tuổi tới trường nhưng Tuấn lại không cho cô bé đụng đến sách vở.

Vào mỗi buổi chiều, Tuấn đều dẫn con ra bãi tắm dưới sông Hồng để cùng mình ngồi thiền đến tận tối mịt mới chịu về. Tuấn bảo: “Bản thân tôi cũng đã từng đi học, sách vở toàn khiến con người tham, sân, si hơn. Chỉ có kinh Phật mới khiến cuộc sống trở nên thoát tục”.

Gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng 10

Những khi có việc ra ngoài, Tuấn khoác trên mình bộ quần áo của các nhà tu hành. Ảnh: Duẩn

Mặc dù yêu thích cuộc sống hoang dã nhưng bản thân Tuấn vẫn ao ước có được một chiếc nhà nổi: “Mùa mưa lũ, nước sông dâng cao ngập cả vào nhà. Nhiều lúc gia đình không có chỗ ở".

"Bây giờ nếu được, tôi chỉ ước có một căn nhà nổi để lênh đênh theo sông nước, lũ về cũng không bao giờ sợ mất nhà”, người đàn ông trong gia đình dị nhân ở bãi sông Hồng tâm sự.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus