Chủ nhật, 19/05/2024 | 20:15
RSS

Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của TP.HCM

Thứ tư, 15/11/2023, 06:40 (GMT+7)

Sáng 14/11, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Trường Đại học Văn hóa TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề: Phát huy nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của TP.HCM.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho biết: “ UNESCO đã thành lập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” từ năm 2004, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố, xem sáng tạo là động lực, là yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.

Tính đến nay, mạng lưới “Thành phố sáng tạo” có hàng trăm thành phố thuộc các châu lục trên thế giới tham gia. Mạng lưới “Thành phố sáng tạo” tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.

TP.HCM cần xem xét, xác định rõ thương hiệu địa phương của mình là gì để có thể tập trung xây dựng, phát triển “Thành phố sáng tạo”.

TP.HCM cần xem xét, xác định rõ thương hiệu địa phương của mình là gì để có thể tập trung xây dựng, phát triển “Thành phố sáng tạo”.

“Thành phố sáng tạo” là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm, thảo luận, thay đổi, bổ sung để hoàn thiện. Hiện nay, “Thành phố sáng tạo” được hiểu là nơi mà nguồn tài nguyên chính của nó là tính sáng tạo của người dân, đó là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho thành phố và xã hội.

Tại Việt Nam, năm 2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “thiết kế” và mới đây, tháng 10/2023, UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”.

Ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO.

Theo kế hoạch này, TP.HCM cũng là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu... có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Theo đó, mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) là chương trình quốc tế hiện có 350 thành phố thành viên từ hơn 100 quốc gia. Các thành phố thành viên xác định văn hóa, sáng tạo là yếu tố chiến lược phát triển đô thị bền vững.

Yêu cầu tiên quyết của các thành phố trong UCCN là phải tiên phong thúc đẩy khả năng tiếp cận văn hóa và tăng cường sức mạnh sáng tạo của người dân nhằm phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, thành phố sáng tạo cũng phải hợp tác với các thành viên khác của UCCN để thúc đẩy các biện pháp đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, gia tăng bất bình đẳng, tốc độ đô thị hóa quá nhanh…

Hội thảo tập trung vào 3 nhóm chủ đề: Lợi thế và thách thức của văn hóa TP.HCM trong phát triển “Thành phố sáng tạo”; Các nguồn lực văn hóa TP. HCM để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”; Những giải pháp để phát huy các nguồn lực văn hóa xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” có hiệu quả trong thời gian tới.

TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phân tích lợi ích khi tham gia UCCN: “Khi một thành phố tham gia vào UCCN, chúng ta sẽ hưởng lợi từ một nền tảng trao đổi và hợp tác quốc tế tích cực. Trở thành một phần của UCCN, các thành phố cũng được hưởng lợi từ các thành viên của gia đình UNESCO như: nhận được sự công nhận của họ ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế; kết nối với các chương trình nghị sự và hợp tác toàn cầu; kết nối với hệ thống Liên hợp quốc; cung cấp một môi trường thuận lợi để tiến xa hơn trong việc theo đuổi sự phát triển bền vững”…

Phương Thảo - Thu Thủy
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại