Trong xã hội hiện đại, tốt nghiệp ĐH là hành trang cần thiết để thành công trên đường đời. Khi bằng cấp của bạn càng cao, đồng thời tốt nghiệp từ các trường ĐH danh giá thì cơ hội thăng tiến sẽ hơn rất nhiều so với những người khác. Thế nhưng, vẫn có những trường hợp ngoại lệ và điều đó đã được chứng minh không chỉ ở thế giới mà ngay ở Việt Nam
Họ là những nhà khoa học, nhà văn, nhà chính trị, doanh nhân lỗi lạc trong lịch sử nhân loại. Do hoàn cảnh, họ đã không có điều kiện theo học hoặc đang học thì họ quyết định nghỉ học và rồi bằng niềm đam mê, ý chí nỗ lực, tự học hỏi không ngừng nghỉ… họ đã tỏa sáng. Họ là những ai?
Đó là Bill Gates - người giàu nhất thế giới đã xây dựng đế chế Microsoft; là Michael Dell, nhà sáng lập và CEO của Tập đoàn Dell; là Mark Zuckerberg, chàng trai sinh năm 1984 sáng lập mạng xã hội Facebook. Như Steve Jobs đã rời ĐH Reed chỉ 6 tháng sau khi nhập học và sau đó ông sáng lập ra Apple, NeXT Computer và Pixar. Còn Henry Ford, chưa bao giờ tốt nghiệp trung học, đã sáng lập nên một trong những công ty sản xuất ô tô lớn nhất thế giới - Ford Motor. Tạp chí Time gọi Ford là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX…
Bầu Đức thất vọng với cách làm việc của VFF. Ảnh: Quang Liêm
Đặc biệt, phải kể đến trường hợp ông Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 trong lịch sử nước Mỹ. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, cha mẹ là những nông dân mù chữ. Ông không có điều kiện đi học chính thức, thời gian theo học thực sự của ông có lẽ chỉ kéo dài 18 tháng.
Với Việt Nam, chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh chúng ta có thể kể những doanh nhân thành đạt mà không có bằng ĐH, cử nhân như: ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen; ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Công ty Thủy sản Hùng Vương; bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai… và ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, hiện là Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ.
Nếu nói trong lĩnh vực bóng đá, huyền thoại quốc gia Đức Franz Beckenbauer có bằng ĐH chính quy đâu mà vẫn làm Phó Chủ tịch LĐBĐ Đức. Thậm chí, danh thủ bóng đá Pháp Michel Platini cũng đâu có bằng ĐH mà vẫn là Chủ tịch LĐBĐ châu Âu.
Vậy thì việc quy định các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch VFF khóa 8 phải ít nhất có bằng cử nhân phải chăng không ngoài mục đích ngăn cản các cầu thủ vào những chức vụ lãnh đạo VFF, khiến VFF sẽ như là bộ máy gồm những thư lại hành chính? Ngoài ra, với tiêu chí mới này, người nghĩ ra là muốn có lợi riêng cho họ.
Ví dụ cụ thể nhất là ông Đoàn Nguyên Đức sẽ không đủ tiêu chí làm chủ tịch hay phó chủ tịch VFF khóa 8 cho dù có 100% thành viên VFF đề cử, vì ai cũng biết ông là doanh nhân thành đạt nhưng không có bằng cử nhân.
Tất nhiên, có bằng cấp và bằng cấp cao thì quá tốt. Nhưng với đặc thù của bóng đá nói chung và VFF nói riêng, bằng cấp chưa phải là tiêu chí hàng đầu và bắt buộc dành cho các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là vị trí chủ tịch. Như bầu Đức, ông không có bằng cử nhân nhưng có mấy ai cống hiến cho bóng đá Việt Nam nhiều bằng ông!
Đã đến lúc cần cảnh báo các chiêu trò ngăn cản những người có tài, có tâm tham gia điều hành bóng đá nước nhà. Hãy để cho người hâm mộ cổ vũ bóng đá sạch, bóng đá chân chính đánh giá bằng cấp thực của lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 8 - những người có tầm nhìn, tâm sáng và không bao giờ vụ lợi trong bóng đá chứ không phải không ít lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 7 bị nghi đang tạo lợi ích nhóm ngăn cản người tài phát triển bóng đá Việt.
Uy tín, có tâm, có tầm, hội tụ được sức mạnh xã hội để nâng cao vị thế bóng đá Việt Nam - đó mới là tiêu chí hàng đầu dành cho các lãnh đạo VFF tương lai!