Thứ bảy, 27/04/2024 | 10:52
RSS

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý: “Ông đồ” rởm cho chữ đầu năm làm mất đi giá trị văn hóa

Thứ ba, 31/01/2017, 13:00 (GMT+7)

Theo nhà thư pháp Lê Thiên Lý, những năm trở lại đây việc cho chữ trở thành ô hợp, các “ông đồ” toàn kinh doanh chữ làm mất đi cái hay cái đẹp về văn hóa.

"Cho chữ ngày nay trở thành ô hợp"

Từ bao đời nay, cứ mỗi năm vào dịp Tết đến là nhiều tục lệ xưa được mọi người thực hiện. Cùng với việc khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ông đồ rởm cho chữ 1

Hiện nay, nhiều “ông đồ” rởm lợi dụng việc cho chữ đầu năm để kinh doanh kiếm tiền. Ảnh Internet

Tuy nhiên, hiện nay văn hóa hội nhập khiến hình ảnh về khu phố ông đồ cũng có một số sự thay đổi, khi bên cạnh những bậc “cao niên” thì cũng đã xuất hiện rất nhiều “ông đồ” với tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có ông đồ chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Bên cạnh viết chữ Hán, chữ Nôm thì các ông đồ ngày nay còn viết cả chữ quốc ngữ.

Theo truyền thống của người xưa, chữ Thánh hiền với các bậc Nho gia chỉ để cho hoặc tặng chứ không để bán, đã là nhà Nho thì không ai lại đi bán chữ Thánh hiền. Tuy nhiên ngày nay, với sự ảnh hưởng của trào lưu hội nhập thì hầu hết các tác phẩm thư pháp đều được bán.

Ông đồ rởm cho chữ 2

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý cho rằng, “Ông đồ” rởm cho chữ đầu năm làm mất đi giá trị văn hóa. Ảnh NVCC

Theo đó, đã có nhiều “ông đồ” rởm lợi dụng việc cho chữ đầu năm để kinh doanh kiếm tiền. Điều này, tạo ra hình ảnh phản cảm, gây lộn xộn tại các khu đình chùa, Văn Miếu trong dịp lễ Tết.

Xoay quanh câu chuyện về việc kinh doanh chữ đầu năm gây phản cảm, lộn xộn, Đời Sống Plus đã có cuộc trò chuyện với nhà thư pháp nổi tiếng Lê Thiên Lý, ông có cái nhìn đa chiều, lên án gay gắt về việc “ông đồ” rởm xin chữ đầu năm làm mất đi giá trị văn hóa.

Ông đồ rởm cho chữ 3

Các “ông đồ” toàn kinh doanh chữ làm mất đi cái hay cái đẹp về văn hóa. Ảnh Internet

Theo nhà thư pháp Lê Thiên Lý, những năm trở lại đây việc cho chữ trở thành ô hợp, các “ông đồ” toàn kinh doanh chữ làm mất đi cái hay cái đẹp về văn hóa. Các cơ quan quản lý văn hóa luôn nghĩ đến lợi nhuận và tiền, không nghĩ đến cái đẹp, giữ tôn ti trật tự truyền thống nên đã thả nổi việc cho chữ đầu năm.

Điều này dẫn đến khung cảnh lộn xộn tại các văn miếu, đình chùa biến nơi linh thiêng này như một cái chợ nhìn rất lộn xộn. Chính vì việc lộn xộn như vậy khiến các thầy đồ chân chính không ra đó ngồi.Muốn trở thành ông đồ phải có ít nhất 20 năm

“Việc xin chữ đầu năm ngày trước thiêng liêng lắm! Nhưng dần dân “ông đồ” thấy chữ kiếm ăn được, có tiền lại là trào lưu nên cứ ào ào mọc lên như nấm, tự nhiên nó thành cái chợ, mất đi nét đẹp truyền thống bởi đã bị ô hợp”, nhà thư pháp Lê Thiên lý cho biết.

Cũng theo nhà thư pháp Lê Thiên Lý, ông đồ là những người phải có tuổi tác, phải có trình độ uyên thâm về hán học, về đạo đức và cao hơn hẳn mọi người về tri thức lý luận chữ nghĩa thì mới cho chữ được.

Muốn trở thành ông đồ phải có ít nhất 20 năm, phải học qua trường lớp, có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý, qua cọ sát thì mới bắt đầu xứng danh để đi hành nghề.

Ông đồ rởm cho chữ 4

Để trở thành ông đồ phải có ít nhất 20 năm tu luyện

“Ở Việt Nam các nhà thư pháp chính hiệu không nhiều, đếm trên đầu ngón tay. Nhà thư pháp không những viết chữ đẹp mà ông phải biết rộng, quan trọng hết là phải có đạo đức, đồng tiền chỉ là thứ yếu”, nhà thư pháp Lê Thiên Lý nhấn mạnh.

“Có những người đi xin chữ, tầm nhìn, sự hiểu biết của người ta còn cao hơn những người cho chữ thì làm sao chữ đấy linh thiêng được. Xin chữ là để treo lên tường, để chiêm ngưỡng, biểu tượng chữ nhắc nhở chúng ta hướng tới cái thiện”, ông Lý cho hay.

Ông đồ rởm cho chữ 6

Cơ quan quản lý văn hóa cần phải có trách nhiệm chấn chỉnh việc cho chữ của các “ông đồ” rởm. Ảnh Internet

Hiện nay, xin chữ dịp đầu năm là hoạt động hết sức ý nghĩa, là nhu cầu tất yếu của xã hội tạo nên không khí náo nhiệt đầu xuân năm mới. Bởi vậy cơ quan quản lý văn hóa cần phải có trách nhiệm chấn chỉnh việc cho chữ của các “ông đồ” rởm gây phản cảm, lộn xộn ở khu di tích.

Quỳnh An
Theo Đời sống Plus