Thậm chí, bệnh nhân tại bệnh viện cũng phải sống khổ dưới cái nóng oi bức do hệ thống máy biến áp của bệnh viện gặp sự cố.
Mới bước vào hè nhưng gần một tuần nay, cuộc sống những hộ dân sống tại toà chung cư VP3 khu đô thị bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai) bị đảo lộn khi liên tục xảy ra tình trạng mất nước sinh hoạt. “Thời tiết những ngày đầu hè nắng nóng gay gắt, nhưng cư dân toà nhà hơn 1 tuần nay thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Có lúc mất liền mấy ngày liền khiến cuộc sống đảo lộn, nhiều người phải chuyển đi tá túc ở nhà anh em, bạn bè”, anh Đậu Hải Phong, đại diện người dân tại tòa nhà VP3 cho biết.
Khốn đốn vì điện, nước
Theo anh Phong, nguyên nhân là do trong 3 tòa nhà PV3, PV5, PV6 thuộc khu đô thị bán đảo Linh Đàm, chỉ duy nhất toà nhà PV5 được trực tiếp mua nước sạch từ Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco), các toà còn lại phải mua nước từ nguồn khác của đơn vị dịch vụ HUD (Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị).
Nhưng thực tế HUD không đủ nước do nhu cầu sử dụng trong những ngày nắng nóng tăng cao nên hàng trăm hộ dân thường xuyên sống trong cảnh mất nước. “Chúng tôi đã nhiều năm liền kiến nghị chủ đầu tư ký kết với đơn vị cung cấp nước sông Đà nhưng không có hồi âm gì.
Tối 1/6 vừa qua, hàng trăm hộ dân tổ chức họp tìm giải pháp giải quyết tình trạng mất nước nhưng mời ban quản lý tòa nhà, họ không tham dự”, anh Phong nói.
Bể chứa nước ngầm ở khu chung cư cạn kiệt. Ảnh: PV
Các hộ dân ở đây cho biết, cứ đến hè năm nào cư dân cũng phải vật lộn để có nước sinh hoạt. “Trong hợp đồng mua bán nhà, chủ đầu tư cam kết cung cấp đầy đủ điện nước cho cư dân theo quy định nhưng kể từ khi chuyển về đây sinh sống, chúng tôi luôn phải chịu cảnh mất nước. Cư dân gửi đơn kiến nghị các cấp nhưng đều không có hồi âm”, anh Nguyễn Thanh Tùng, cư dân tòa nhà VP3 nói.
Ngoài ra, theo người dân ở toà nhà VP3, chất lượng nước sinh hoạt ở đây cũng có vấn đề. “Mỗi lần tới khung giờ bơm nước, nước chảy ra ban đầu có màu hơi vàng, không thể dùng được, tôi đều phải đổ đi để hứng lượt sau nhưng màu nước vẫn hơi nhờ nhờ. Nhà có trẻ nhỏ, tôi thường mua nước lọc tắm cho con và nấu ăn vì sợ bị dị ứng”, chị Hà, một cư dân tại tầng 10 cho biết.
Dưới cái nắng đầu hè 40 độ C, mất nước đã khổ, mất điện càng khổ hơn. Theo phản ánh của độc giả tới báo Tiền Phong, trong tối 1/6 và rạng sáng 2/6, một số khu dân cư ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy… bị cắt điện.
Theo anh Quang Anh (trú tại A6 Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân), khoảng 22 giờ 30 tối 1/6, khu vực nhà anh đột nhiên mất điện mà không được báo trước. thời tiết nắng nóng, nhiều hộ gia đình có con nhỏ phải gói ghém đồ đạc ra nhà nghỉ gần đó ở tạm.
Sau khoảng gần 1 giờ điện mới có trở lại. Tại quận Cầu Giấy, độc giả Xuân Phong (đường Nguyễn Khang) cho biết, cả gia đình anh cũng vừa có đêm mất ngủ vì điện.
Bắt đầu từ 23h, điện chập chờn, được 10 phút lại mất điện 10 phút. Việc này kéo dài đến hơn 2 tiếng đồng hồ, đến 1 giờ sáng 2/6, hệ thống điện mới cơ bản trở lại ổn định.
Một thông tin mất điện khác được phản ánh từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa). Bệnh nhân tại đây cho biết, bệnh viện bị mất điện trong 2 ngày phải chạy máy nổ.
Máy phát chỉ cho phép chạy quạt và các thiết bị thông thường, không bật được điều hoà nên các phòng bệnh rất nóng. “Nắng nóng thế này thì chúng tôi có khi bệnh nặng thêm”, một bệnh nhân Khoa Nội tiết nói.
Nhiều sự cố cung ứng
Thời điểm hiện nay chưa phải là cao điểm của mùa hè nắng nóng nhưng liên tục trong những ngày qua, nhiều khu vực, nhiều quận huyện trên địa bàn Hà Nội, người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, mất nước sinh hoạt kéo dài.
Người dân đang khốn khổ vì mất nước trong những ngày nắng nóng 40 độ C. Ảnh: M.L
“Chúng tôi không hiểu, trên báo đài họ cam kết trời nắng nóng không có lịch cắt điện để sửa chữa thế mà những ngày này lại có lịch cắt nước với lý do sửa chữa lưới điện”, một người dân ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai bức xúc.
Trên trang web của Công ty nước sạch Hà Nội- đơn vị cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu hiện nay của thành phố đã dày đặc các thông báo về lịch cắt nước tại nhiều quận, huyện từ nội thành đến ngoại thành.
Theo thông báo của Công ty nước sạch Hà Nội từ 6h đến 14h ngày 31/5, Cty Điện lực Thanh Trì có kế hoạch sửa chữa, cải tạo lưới điện, Cty nước sạch sẽ giảm công suất nhà máy nước Pháp Vân. Vì vậy, kể từ thời điểm trên trong vòng 1 đến 2 ngày các khu vực sẽ bị ảnh hưởng mất nước hoặc nước yếu.
Phạm vi ảnh hưởng của thông báo này rất rộng, tại quận Hoàng Mai gồm các khu vực như phường Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Giáp Bát; tại huyện Thanh Trì gồm các khu vực như thị trấn Văn Điển, các xã ngũ Hiệp, Tứ Hiệp…
Tại các quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, lịch thông báo tạm ngừng cấp nước sạch trong những ngày qua cũng dày. Hàng loạt phường ở các quận này có lịch tạm ngừng cấp nước với các lý do: Cty điện lực Hồ Tây có kế hoạch cắt điện để sửa chữa, cải tạo lưới điện trong khu vực nên Cty nước sạch Hà Nội sẽ giảm công suất nhà máy nước Yên Phụ; thi công sửa chữa dây chuyền công nghệ hệ thống bơm nước sạch nhà máy nước Mai Dịch…
Lý giải về lý do cắt điện trong những ngày nắng nóng trong khi đã có thông báo không cắt điện những ngày nhiệt độ tăng quá 36 độ C, đại diện Tổng Cty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho hay, trong quá trình kiểm tra, tuần canh, cán bộ ngành điện phát hiện nhiều mấu nối tiếp xúc có nhiệt độ tăng cao. Nếu không cắt điện sẽ có nguy cơ uy hiếp an toàn lưới điện.
Đối với việc mất điện tại khu vực Bệnh viện Đại học Y, do bệnh viện có đầu tư máy biến áp (MBA) riêng, ngành điện chỉ cấp điện nguồn cho bệnh viện. Theo thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y, 3 ngày trước MBA công suất 1.000 KVA gặp sự cố, nên bệnh viện phải dùng MBA công suất 700 KVA thay thế. Vì lý do này, đơn vị phải cắt giảm phụ tải, chứ không phải do mất điện.
Tuy không trực tiếp chịu trách nhiệm về MBA bên trong bệnh viện, Cty Điện lực Đống Đa đã đứng ra bảo lãnh cho bệnh viện vay một MBA công suất 1.000 KVA để đảm bảo hoạt động của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Theo nhận định của Sở Xây dựng Hà Nội, tình hình cấp nước sạch mùa hè 2017 sẽ rất khó khăn với thực trạng hạ tầng hiện nay. Dự báo vào lúc cao điểm, lượng nước sạch thiếu từ 70.000-100.000 m3 mỗi ngày đêm.
“Ngành điện đã cam kết không cắt điện sửa chữa trong dịp nắng nóng, nếu công ty nước sạch thông báo tạm ngừng cấp nước cho dân vì lý do các công ty điện cắt để sửa chữa mạng lưới thì cũng phải xem xét lại”, vị cán bộ nói.
Đại diện phòng Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng) cho biết, một trong những giải pháp cung cấp nước sạch cho Hà Nội là tuyến đường ống số 2 được khởi công xây dựng từ tháng 10/2015 với chiều dài 21km dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội, nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho trung tâm thành phố và hỗ trợ ống số 1 hiện đang chậm tiến độ là do có sự sắp xếp, cơ cấu nội bộ của chủ đầu tư.
“Thời tiết những ngày đầu hè nắng nóng gay gắt trên 40 độ C, nhưng cư dân tòa nhà hơn 1 tuần nay thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Có lúc mất mấy ngày liền khiến cuộc sống đảo lộn, nhiều người phải chuyển đi tá túc ở nhà anh em, bạn bè”. Anh Đậu Hải Phong, đại diện người dân tại tòa nhà VP3. |