Thí sinh đã tốt nghiệp THPT (thí sinh tự do) khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực (như thí sinh khu vực 3). Ảnh minh họa: Sỹ Điền
Cạnh tranh công bằng
Là thí sinh tự do nên Nguyễn Hải Nguyên Minh (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) đang chủ động với kế hoạch ôn tập để bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Nguyên Minh cho biết: Năm 2021, em dự thi tốt nghiệp THPT nhưng không đủ điểm xét tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội. Năm nay, em quyết tâm thi lại và vẫn dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để đăng ký xét tuyển vào một trường đại học thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe trong đó có Trường ĐH Y Hà Nội.
Khi biết, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay sẽ không cộng điểm ưu tiên khu vực đối với thí sinh tự do, Nguyên Minh rất ủng hộ với quy định này; đồng thời cho rằng, quy định của Bộ đã tạo một “sân chơi” công bằng hơn, cạnh tranh sòng phẳng giữa các thí sinh trong cuộc đua giành vé vào đại học, nhất là với những trường uy tín thuộc tốp đầu trên cả nước.
Tán thành với quy định trong dự thảo Quy chế, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đề xuất, Bộ GD&ĐT có thể xem xét các trường hợp ngoại lệ. Ví dụ, đối với thí sinh tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc những thí sinh thuộc gia đình khó khăn cũng nên áp dụng cộng điểm khu vực theo quy chế cũ. TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh - cho rằng, thí sinh tự do có nhiều ưu thế hơn về thi cử. Ít nhất, các em đã có kinh nghiệm và nhiều thời gian để ôn tập.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trung Nhân, việc bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh năm trước có thể áp dụng trong phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp hoặc xét tuyển đối với phương thức kỳ thi tuyển sinh riêng; chẳng hạn như: Kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Với phương thức xét tuyển bằng học bạ, vẫn nên duy trì theo quy định cũ, bởi kết quả học bạ chịu nhiều tác động của yếu tố khu vực.
Dự thảo quy định cộng điểm ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp). Ảnh minh họa: Sỹ Điền
Nên cân nhắc
Ở góc nhìn khác, Đoàn Ngọc Minh Châu, một thí sinh tự do ở Sơn Động, Bắc Giang, cho rằng, quy định về cộng điểm ưu tiên khu vực trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm nay sẽ thiệt thòi cho thí sinh. Minh Châu viện dẫn: Theo quy chế cũ, em sẽ được cộng 0,25 điểm ưu tiên vì có hộ khẩu thuộc khu vực 2. Trong xét tuyển vào đại học, dù là 0,1 hay 0,25 điểm đều rất quý, thậm chí có ý nghĩa quyết định. Vì thế, Minh Châu mong muốn, riêng với chính sách trên, Bộ GD&ĐT nên giữ ổn định như quy chế cũ, qua đó nhằm động viên, khích lệ với những thí sinh tự do có hộ khẩu ở những vùng khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Nhất trí với dự thảo Quy chế của Bộ GD&ĐT, GS.TS Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhìn nhận, dự thảo có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, quan trọng là bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng và minh bạch. Riêng về chính sách ưu tiên theo khu vực tuyển sinh, GS.TS Nguyễn Đình Đức khẳng định, đây là chính sách nhân văn được xã hội ghi nhận và đồng tình hưởng ứng. Bộ cũng nên cân nhắc về đối tượng áp dụng. Theo đó, việc cộng điểm ưu tiên khu vực nên áp dụng với tất cả thí sinh, không phân biệt thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay hay thí sinh tự do. Qua đó nhằm tiếp tục khẳng định ý nghĩa nhân văn của chính sách trên.
Nhấn mạnh, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đã phát huy hiệu quả và tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội, TS Văn Đình Ưng, Trưởng ban Thông tin và Truyền thông (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), nêu quan điểm, cần tiếp tục phát huy và lan tỏa chính sách này. Vì thế, Quy chế tuyển năm nay nên duy trì quy định về cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh. Nghĩa là thí sinh tự do cũng được thụ hưởng chính sách này. Đây không chỉ là vấn đề cộng điểm, mà còn khích lệ các em sau khi học xong trở về địa phương để công tác.
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm nay có nhiều điểm mới; trong đó có quy định: Cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp), còn những thí sinh đã tốt nghiệp THPT (thí sinh tự do) khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực (như thí sinh khu vực 3).
Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: Quy định này nhằm bảo đảm tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh: Học sinh 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và những em đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển đại học. Thực tế, thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có nhiều lợi thế và thời gian ôn tập hơn so với những em thi lần đầu.
Ngoài ra, nhiều thí sinh tuy hộ khẩu ở vùng ưu tiên nhưng đã chuyển đến các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn để ôn thi ít môn nhằm phục vụ xét tuyển đại học. Trong khi đó, thí sinh thi lần đầu phải ôn nhiều môn hơn, chịu nhiều áp lực hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học. Như vậy với dự kiến quy định mới, tất cả các thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng ưu tiên 1 lần nên công bằng cho mọi thí sinh.
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm 2022, điểm ưu tiên cho khu vực 1: 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn: 0,5 điểm và khu vực 2: 0,25 điểm. Quy định này chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp). |