Thứ bảy, 04/05/2024 | 19:41
RSS

Da bị nổi mẩn đỏ không ngứa là bệnh gì? 4 cách chữa hiệu quả

Thứ bảy, 21/10/2023, 16:50 (GMT+7)

Da đột nhiên bị nổi các vết mẩn đỏ nhưng lại không cảm thấy ngứa hoặc đau có thể khiến người bệnh băn khoăn lo lắng đây là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và tùy từng tác nhân, bệnh lý sẽ có cách khắc phục riêng, cùng theo dõi qua bài viết sau nhé.

I - Nổi mẩn đỏ không ngứa trên da là bị làm sao?

Nổi mẩn đỏ không ngứa là khi trên da bị nổi các vết mẩn màu đỏ hoặc màu da, li ti như muỗi đốt, xuất hiện rải rác hoặc tập trung theo từng mảng. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như mặt, lưng, cổ, tay chân, toàn thân… nhưng điều đặc biệt là không hề gây ra cảm giác ngứa ngáy. Cũng chính vì điều này nên khiến cho người bệnh khó xác định được nguyên nhân gây ra nên dễ gây hoang mang, lo lắng.

Về cơ bản, nổi mẩn đỏ không ngứa thường là triệu chứng của tình trạng dị ứng, do tác dụng thuốc hoặc là triệu chứng của một số bệnh lý như viêm mao mạch, dị ứng, lupus ban đỏ…

  • Dị ứng: Dị ứng có thể là tác nhân dễ gặp nhất khiến cho da bị nổi mẩn. Đôi khi bị dị ứng chỉ đi kèm với các vết mẩn đỏ, sưng phù mà không gây ngứa trên da. Tình trạng này thường xảy ra do người bệnh không may tiếp xúc phải một tác nhân nào đó gây dị ứng, chẳng hạn như côn trùng, lông sâu bọ, dị ứng thức ăn, nước, chất độc hại…
  • Phản ứng với thuốc: Tuy không nhiều nhưng cũng có một số trường hợp người bệnh xuất hiện các vết mẩn đỏ trên da sau khi dùng thuốc uống hoặc bôi. Dễ thấy nhất là khi tiêm vắc-xin, uống thuốc kháng sinh, thuốc khám viêm hoặc bôi thuốc da. Thường thì phản ứng thuốc sẽ gây các nốt mẩn đỏ và ngứa, nhưng ở một số người thì lại không có biểu hiện ngứa.
  • Mắc bệnh lý: Bệnh lý là “thủ phạm” phổ biến nhất gây mẩn đỏ không ngứa trên da. Một số bệnh không gây ra triệu chứng ngứa, mà chỉ đơn thuần là các chấm đỏ li ti như hạt đậu hoặc nốt ruồi. Đi kèm với đó là các triệu chứng đặc trưng của bệnh như sưng, tróc vảy hoặc tổn thương da.

II - Da bị nổi mẩn đỏ không ngứa là dấu hiệu của bệnh gì?

Dưới đây là những bệnh lý phổ biến nhất gây ra hiện tượng mẩn đỏ không ngứa:

1. Viêm mao mạch dị ứng

Triệu chứng điển hình của viêm mao mạch dị ứng là các vết mẩn đỏ ở trên da, các nốt này không gây ngứa nhưng lại đem cảm giác khó chịu về mặt thẩm Mỹ Ngoài các vết mẩn đỏ, bệnh còn có thể kèm theo cơn đau khớp, buồn nôn hay rối loạn tiêu hoá… rất dễ gặp ở người trẻ hoặc trẻ con.

Khi chuyển sang giai đoạn nặng, viêm mao mạch dị ứng có thể gây phù da và gây tổn thương nghiêm trọng ở da, thận, khớp… trong cơ thể. Vì vậy cần điều trị sớm để hạn chế các tổn hại về mặt sức khoẻ.

Nổi mẩn đỏ không ngứa do viêm mao mạch dị ứng

Chứng viêm mao mạch dị ứng

2. Bệnh nổi mề đay

Mề đay cũng là căn bệnh gây xuất hiện các nốt sần mẩn đỏ khắp người. Thông thường thì khi bị nổi mề đay sẽ xuất hiện rất nhiều nốt mẩn đỏ, trắng đi kèm là cảm giác cực kỳ ngứa. Nhưng một số trường hợp ít gặp có thể không gây ngứa, hoặc do triệu chứng mề đay mới khởi phát nên chưa gây ngứa.

Nổi mẩn đỏ không ngứa do bệnh mề đay

Một số trường hợp mề đay có thể không gây ngứa

3. Nhiễm siêu vi

Nhiễm siêu vi là khi bạn mắc phải một số bệnh nhiễm trùng như sốt phát ban, sốt rét hoặc sốt xuất huyết  Ngoài các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ, mệt mỏi toàn thân thì nhiễm siêu vi còn khiến da nổi các vết mẩn. Tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa và sốt sẽ hết nhanh chóng sau khi người mắc siêu vi khỏi bệnh.

4. Ban xuất huyết

Ban xuất huyết thường xuất hiện thành các đốm tròn nhỏ trên da, có màu đỏ hoặc tím, không gây đau hoặc ngứa. Ban xuất huyết là bệnh tự phát, do hồng cầu thoát khỏi mạch máu và đi vào lớp niêm mạc dưới da, hình thành nên các nốt sần có màu đỏ tím.

Bệnh không có gì đáng ngại và có thể biến mất sau vài ngày. Thông thường, tình trạng này hay xuất hiện khi bạn gặp vấn đề về sức khoẻ, bị chấn thương hoặc vùng da bị cháy nắng trong thời gian dài.

Nổi mẩn đỏ nhưng không ngứa trên da do bệnh ban xuất huyết

Vết đỏ li ti trên da do mắc ban xuất huyết

5. Rôm sảy

Da nổi mẩn đỏ nhưng không ngứa cũng có thể xuất hiện ở những người bị rôm sảy, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Rôm sảy xuất hiện nhiều vào mùa hè, khi thời tiết nóng bức, tuyến mồ hồi ở trẻ bài tiết quá mức gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành các vết sần đỏ. Đôi khi các vết sần này cũng gây ngứa, cảm giác da bị châm chích khó chịu.

6. Bệnh Lupus ban đỏ

Người bệnh Lupus ban đỏ không chỉ có các vết đỏ sần không ngứa, mà còn bị sốt, mệt mỏi, đau khớp hay rối loạn kỳ kinh. Lupus ban đỏ là dạng bệnh lý tự miễn, ảnh hưởng khá nhiều đến các cơ quan như tim, thận, phổi…

Bệnh lupus ban đỏ gây mẩn đỏ trên da

Mẩn đỏ không ngứa trên da do lupus ban đỏ

7. Sốt phát ban

Khi bị sốt phát ban, người bệnh thường có triệu chứng nổi lên các đốm đỏ trên da.kèm theo hiện tượng tiêu chảy, đau họng, đau bụng…

8. Zona thần kinh

Các vết zona thường có màu đỏ nhẹ hoặc màu hồng, khu vực sưng có mủ, dễ lan ra các vùng khác nếu không được điều trị sớm. Zona thần kinh không ngứa mà gây đau rát, cũng như khá nguy hiểm vì có thể biến chứng sang nhiễm trùng, viêm phổi, viêm da, liệt cơ mặt…

Zona thần kinh không gây ngứa nhưng gây các mẩn đỏ trên da

Zona thần kinh ít khi gây ngứa trên da trong giai đoạn bệnh phát triển

9. Bệnh dày sừng nang lông

Bệnh sừng nang lông có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, dễ gặp ở trẻ nhỏ. Bên cạnh các nốt mẩn đỏ thì dày sừng nang lông còn kèm theo các triệu chứng sau:

  • Vết sưng trên cánh tay, đùi, má hoặc mông nhưng không đau.
  • Ở các vị trí có vết sừng, da thường khô và sần sùi hơn.
  • Tình trạng sẽ nặng hơn khi vào mùa khô hoặc độ ẩm thấp.
  • Các vết sưng thường giống giấy nhám.

III - Hiện tượng nổi mẩn đỏ không ngứa có nguy hiểm không?

Các vết mẩn đỏ thường khiến làn da mất đi tính thẩm mỹ vốn có, khiến bạn e ngại, mất tự tin trong giao tiếp. Nếu sau đó còn xuất hiện các vết loét, rất có khả năng bạn còn cảm thấy đau đớn do viêm da và để lại sẹo.

Ngoài làm bản thân cảm thấy e ngại thì các vết mẩn đỏ không ngứa thường không gây nguy hiểm gì đến sức khoẻ. Tuy nhiên nếu không điều trị bệnh lý gây ra tình trạng này, bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng hơn. Thậm chí người bệnh có thể gặp phải biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các nội tạng như phổi, thần kinh, xương khớp.

Mẩn đỏ không ngứa có nguy hiểm không?

Cần sớm điều trị bệnh lý, giảm mẩn đỏ để tránh ảnh hưởng về thẩm mĩ và sức khỏe

IV - Những cách chữa nổi mẩn đỏ không ngứa trên da hiệu quả, an toàn nhất

1. Cách xử lý giảm vết mẩn đỏ không ngứa tại nhà

  • Tránh chà xát da: Massage da nhẹ nhàng, tránh chà xát quá mạnh sẽ khiến các vết mẩn lan rộng và nặng hơn. Đặc biệt các vết mẩn thường xuất hiện trên làn da mỏng, bị tổn thương, vì vậy việc chà xát quá mạnh sẽ khiến làn da chảy máu, xuất hiện viêm loét.
  • Vệ sinh da sạch sẽ: Lựa chọn các sản phẩm sữa tắm, xà bông hay dầu gội lành tính, chứa ít chất hoá học hoặc các chất dễ gây kích ứng. Đảm bảo cho da của bạn luôn được bảo vệ tốt nhất có thể.
  • Tạm ngưng sử dụng mỹ phẩm: Các vết mẩn đỏ đang biểu thị da bạn đang bị tổn thương, vì vậy hạn chế bôi mỹ phẩm lên các vùng da đó là cách tốt nhận giảm tải kích ứng cũng như gánh nặng cho da bạn nhé.
  • Lau da bằng nước ấm: Nước ấm ngoài tác dụng làm giãn nở lỗ chân lông, còn giúp các vết mẩn đỏ giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó cũng ngăn cản tốc độ lây lan sang các vùng da lân cận.
  • Mặc quần áo rộng rãi: Những bộ đồ rộng rãi giúp giảm thiểu tối đa ma sát lên da, tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí, ánh nắng, hạn chế kích ứng khiến các nốt sần lan rộng.

2. Trị mẩn đỏ không ngứa bằng thuốc Tây y

Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê cho bạn những loại thuốc khác nhau.

  • Trường hợp mẩn đỏ không ngứa do mề đay, dị ứng: Kem bôi chứa hydrocortisone 1%; steroid dạng kem bôi, thuốc kháng Histamin để tạm thời giảm sưng rát, mẩn đỏ kích ứng.
  • Trường hợp mẩn đỏ không ngứa do các bệnh lý da: Thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau… tùy theo trường hợp bệnh.

Tuy nhiên thuốc chỉ được sử dụng giúp bạn giảm các triệu chứng mẩn đỏ, hoặc tác dụng tới các tác nhân từ bên ngoài như mề đay hoặc dị ứng. Nếu bị nổi mẩn đỏ không ngứa mà không rõ nguyên nhân, các vết mẩn đỏ có thể sẽ tái trở lại kể cả khi bạn dùng thuốc điều trị.

Cách trị mẩn đỏ không ngứa bằng thuốc Tây y

Một số loại thuốc bôi có thể tạm thời khiến các vết mẩn đỏ biến mất

3. Áp dụng mẹo dân gian

Nếu tình trạng các vết mẩn không quá nghiêm trọng thì người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian như bấm huyệt, đắp lá, tắm lá, chườm nóng,… để điều trị tại nhà.

  • Tắm lá khế, lá trầu không, lá trà xanh...
  • Bôi gel lô hội, đắp lá tía tô.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh.

4. Thăm khám bác sĩ

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh lý đang mắc phải, từ đó định ra phác đồ điều trị hợp lý, xử lý bệnh theo hướng hiệu quả nhất

Trên đây là những bệnh lý có thể gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa trên da, cũng như một số cách trị giảm mẩn đỏ ngay tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên tới thăm khám để chẩn đoán chính xác nhất, cũng như có được biện pháp khắc phục hiệu quả nhất.

DS. Nguyễn Huyền
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại