Thứ hai, 06/05/2024 | 15:37
RSS

Chuyên gia bật mí cách trị bệnh viêm khớp dạng thấp đơn giản

Thứ năm, 12/12/2019, 13:52 (GMT+7)

Viêm khớp dạng thấp để lại nhiều biến chứng cho người bệnh. Lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội đông y Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể.

Theo lương y Phó Hữu Đức, biểu hiện của bệnh viêm khớp dạng thấp có thể thấy rõ qua các khớp ngón tay, ngón chân, khớp lưng, khớp gối có cảm giác đau, các khớp sưng nóng, đỏ và đau nhức.


Nhiều người thường nhức mỏi khớp khi trời đông lạnh. Ảnh minh họa

Bệnh viêm khớp được chia làm 2 thể chính là thể thấp hàn và thể thấp nhiệt. Nguyên nhân mắc bệnh viêm khớp: người trẻ tuổi nếu thiếu dinh dưỡng và làm việc quá sức dẫn đến cơ thể suy nhược dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp. Đối với người cao tuổi do khí huyết kém, thận hư, xương khớp lão hóa dẫn tới nguy cơ cao bị mắc bệnh viêm khớp.   

Theo lương y Phó Hữu Đức, đối với người mắc viêm khớp thì có thể điều trị bằng đông y với phương pháp “khu phong hoạt huyết”, tức là xác định vùng bị đau và điều trị dứt điểm, lưu thông khí huyết tại khu vực đó.

Đối với người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, có thể dùng bài thuốc uống và sử dụng rượu xoa bóp cũng hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Đông y điều trị chứng phong hàn, phong thấp thường dùng bài “Độc hoạt tang ký sinh” để điều trị. Bài này có tác dụng: Bình can, bổ thận, khu phong tán hàn, trừ thấp, bổ khí hành huyết.

Bài Độc hoạt tang ký sinh của danh y Tôn Tư Mạo đăng trong cuốn “Bị cấp thiên kim yếu phương” có 15 vị thuốc, và dùng liều lượng để phối ngũ như sau: Độc hoạt 8 gram, tang ký sinh 12 gram, tần giao 12 gram, phòng phong 8 gram, tế tân 4 gram, đương qui 12 gram, bạch thược 12 gram, xuyên khung 6 gram, sinh địa 12 gram, đỗ trọng 12 gram, ngưu tất 8 gram, nhân sâm 4 gram, phục linh 12 gram, nhục quế 4 gram, cam thảo 4 gram.

Ngoài ra, người bệnh có thể dùng rượu ngâm các cây thuốc để xoa bóp, lưu thông khí huyết như hạt mã tiền, cây huyết giác, cây tứ phương đằng…

Khả năng điều trị viêm khớp chiết xuất từ huyết giác, tứ phương đằng rất hiệu quả. Ngoài ra, hạt mã tiền là vị thuốc điều trị phong tê thấp, bại liệt, bán thân bất toại đã được y học cổ truyền ghi nhận. Xong vị thuốc này có chứa độc tố cực mạnh nên cần hết sức lưu ý khi sử dụng.

Theo sách y học cổ truyền, cây dây đau xương có công dụng trừ thấp, khu phong, mạnh gân hoạt cốt, thường được sử dụng để trị các triệu chứng: Đau nhức; đau nhức xương khớp; bệnh phong tê thấp... thì có thể dùng dây đau xương ngâm rượu cũng rất tốt cho cơ thể bằng cách dùng thân dây đau xương rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng rồi ngâm với rượu theo tỷ lệ 1 : 5. Mỗi ngày dùng 3 lần và mỗi lần uống khoảng 1 chén rượu nhỏ.

Đỗ trọng: Vị ngọt hơi cay tính ấm vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, cường gân cốt, trị các chứng đau lưng, đau đầu gối, đi lại khó khăn.

Lương y Phó Hữu Đức cũng lưu ý đối với một số bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp cần ăn uống điều độ khoa học, tập thể dục thể thao thường xuyên với thời  gian hợp lý để cơ thể khỏe mạnh.

Hạo Nhiên
Theo Đời sống Plus/GĐVN