Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:42
RSS

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát: Khởi nghiệp không phải là đua nhau mở công ty

Thứ tư, 17/01/2018, 14:17 (GMT+7)

Doanh nhân Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), khởi nghiệp không phải là đua nhau mở công ty và trước khi khởi nghiệp, người trẻ cần "định vị" được mình là ai.

Trần Quý Thanh, Tân Hiệp Phát
Doanh nhân Trần Quý Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Là một doanh nhân thành đạt, trải qua nhiều vị trí và từng bước dẫn dắt tập đoàn Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát (THP)  vươn vai lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn nhất Việt Nam, doanh nhân Trần Quý Thanh có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh cũng như khởi nghiệp.

Mới đây, giữa cơn bão khởi nghiệp, doanh nhân Trần Quý Thanh đã có những chia sẻ rất thú vị về vấn đề này. Đó là Khởi nghiệp không phải là đua nhau mở công ty.

Theo vị SEO Tân Hiệp Phát, mặc dù đi đâu, làm gì cũng nghe nói đến startup, nhưng không mấy người hiểu được khởi nghiệp một cách đúng đắn. Khởi nghiệp không phải là lao ra thành lập một công ty buôn bán, làm ăn, cố sống cố chết làm một ông chủ. Đó là quan điểm cực kỳ sai lầm.

"Muốn khởi nghiệp cần có một sự chuẩn bị về bản thân, tích lũy đầy đủ tiêu chuẩn, chuẩn mực, bài bản. Cách kêu gọi hiện nay mang tính phong trào hơn là trọng thực chất, một người khởi nghiệp thành công còn hơn vạn người khởi nghiệp mà chẳng nên cơm cháo gì"- ông Trần Quý Thanh chia sẻ.

Từ kinh nghiệm của bản thân, doanh nhân Trần Quý Thanh đúc kết rằng, để điều hành một doanh nghiệp, cần có những kiến thức, kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, hiểu biết pháp luật căn bản. Vì vậy, các bạn trẻ cần đi làm ở một doanh nghiệp, vừa làm việc, được nhận lương, lại vừa học tập từ thực tế, đúc kết kinh nghiệm cho mình, cái đó đã là bắt đầu cho một sự khởi nghiệp.

Nhưng điều quan trọng nhất là các bạn có sáng kiến gì không, có cái gì mới không, sản phẩm, mô hình dịch vụ độc đáo, những thứ chưa ai làm hoặc cùng loại sản phẩm, dịch vụ nhưng khác biệt về chất lượng. Sản phẩm mà các bạn trẻ sở hữu, nó sẽ tạo ra giá trị cho xã hội, giá trị càng cao thì thành công càng lớn.

Trần Quý Thanh, Tân Hiệp Phát
Theo Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, khởi nghiệp không phải là đua nhau mở công ty

"Ví dụ, hàng không ở Việt nam có từ lâu, kể cả hàng không tư nhân, nhưng bà Nguyễn Thị Phương Thảo tạo ra một sản phẩm mới là “hàng không giá rẻ”, đây là điển hình của mô hình khởi nghiệp thành công.

Các bạn trẻ đừng lo thiếu vốn, khi bạn có sáng kiến có giá trị, sản phẩm của bạn chắc chắn sẽ được thị trường chấp nhận hay một mô hình độc đáo áp dụng hiệu quả vào đời sống thì bạn sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư tài chính để họ tin tưởng hỗ trợ triển khai sản xuất.

Còn ra mở quán cà phê, quán ăn như bao nhiêu người khác, cũng tốt thôi, nhưng đó là công việc bình thường như bao nhiêu người khác, chẳng có gì khác biệt để ồn ào khởi nghiệp.

Hãy hiểu khởi nghiệp là làm cái mới, tạo một giá trị mới đóng góp cho xã hội. Theo tư duy này, nhiều chuyên gia cho rằng, các bạn trẻ hãy khai thác tối đa những điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm công nghệ theo kịp với bước tiến của thời đại"- Doanh nhân Trần Quý Thanh chia sẻ.

Đối với những người không có gì đột phá, không sở hữu sản phẩm sáng tạo hay mô hình dịch vụ độc đáo, doanh nhân Trần Quý Thanh cũng khuyên, hãy lập nghiệp bình thường như bao người khác, như vậy cũng tốt cho bản thân và góp phần xây dựng xã hội. Do vậy, trước khi khởi nghiệp, người trẻ cần "định vị" được mình là ai.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN