Chủ nhật, 21/04/2024 | 07:11
RSS

Cảnh báo nguy cơ đầu tư bất động sản 'ăn theo' thông tin quy hoạch

Thứ sáu, 22/03/2024, 07:04 (GMT+7)

Đầu tư bất động sản “đón sóng” hạ tầng ngay từ khi mới chỉ có thông tin quy hoạch khiến giá đất bị đẩy lên cao, dự án dở dang khiến nhà đầu tư chôn vốn.

Xây dựng bất động sản cần phụ thuộc vào hạ tầng giao thông
Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), dưới góc nhìn thực tế, sự phát triển song hành của các dự án hạ tầng giao thông và đầu tư bất động sản (công nghiệp, thương mại, du lịch, nhà ở...) là rất quan trọng và cần thiết. 

Cụ thể, báo cáo của VIRES đã phân tích rõ tác động lan tỏa của việc hình thành các dự án hạ tầng giao thông đến kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản. Theo đó, sự hình thành các dự án bất động sản, nhu cầu đầu tư và giá trị gia tăng của bất động sản luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển cơ sở hạ tầng như các tuyến vành đai, cao tốc, sân bay, bến cảng… 

Trên thực tế, giải ngân đầu tư công đối với các dự án hạ tầng giao thông đã mang lại tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp đối với thị trường bất động sản. Tác động trực tiếp là khi một dự án hạ tầng lớn chuyển động, nguồn lực đất đai sẽ được khơi thông, không gian phát triển về công nghiệp, du lịch, dịch vụ... được mở rộng. 


Các dự án bất động sản đi kèm sự phát triển hạ tầng giao thông (Ảnh: TN)

Sự chuyển dịch đất đai và phân bố lại dân cư, nguồn lao động sau khi có hạ tầng sẽ giúp bất động sản ở khu vực đó được hưởng lợi, có tiềm năng tăng giá và tạo sóng. Cơ hội gián tiếp là khi đầu tư công được giải ngân thì toàn nền kinh tế được kích cầu, từ đó dòng tiền chuyển động mạnh và sẽ có những nguồn tiền nhất định (từ chứng khoán, từ vàng, từ dòng vốn ngoại...) đổ vào thị trường bất động sản, nhất là khi nhìn thấy cơ hội tăng giá từ sự hình thành các dự án hạ tầng giao thông.

“Trong bối cảnh các dự án giao thông đột phá và trọng điểm quốc gia đang được Chính phủ đốc thúc triển khai từ nay đến năm 2025 với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hướng đến tạo không gian phát triển mới, tạo khu đô thị, khu dịch vụ, khu công nghiệp mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân ..., nghiên cứu này càng có ý nghĩa quan trọng”, VIRES khẳng định.

Trong đó, 25 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được đốc thúc triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tạo ra động lực để thị trường bất động sản trên cả nước phục hồi trở lại sau tác động của đại dịch Covid-19 và những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2022. 

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết để hướng tới mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững khi hạ tầng trở thành đòn bẩy kích thích đầu tư, phát triển bất động sản. Để tận dụng được những cơ hội phát triển đô thị, thị trường bất động sản từ việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông một cách hiệu quả, chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp để hạn chế tối đa những rủi ro của sự phát triển thiếu bền vững trong thời gian qua.

Nhiều rủi ro với nhà đầu tư bất động sản "ăn theo" quy hoạch
Theo các chuyên gia VIRES, thách thức đặt ra là không đợi đến khi hạ tầng triển khai, hoàn thành thì bất động sản mới được hưởng lợi, ăn theo mà ngay từ khi mới chỉ có thông tin quy hoạch, giá đất đã tăng cao. Hạ tầng là đòn bẩy gia tăng giá trị của bất động. Do đó, quy hoạch các dự án hạ tầng luôn là yếu tố then chốt dễ bị giới đầu cơ lợi dụng tạo ra những cơn sốt bất động sản.

Giới đầu cơ bất động sản luôn săn đón thông tin quy hoạch các dự án hạ tầng để đi trước một bước, tiến hành mua gom đất nền và các bất động khác nằm trong hoặc lân cận khu vực được quy hoạch hạ tầng để hưởng chênh lệch giá sau khi có hạ tầng.

VIRES cho rằng sẽ không là vấn đề nếu sự hình thành các dự án bất động sản và tốc độ gia tăng giá đất tỷ lệ thuận và phù hợp với tốc độ triển khai, hình thành của các dự án hạ tầng. Vậy nhưng sau những cơn sốt đất, giá bất động sản tại các khu vực có quy hoạch dự án hạ tầng thường bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Sự phát triển của thị trường bất động sản gắn với quy hoạch hạ tầng tại nhiều khu vực theo đó cũng không song hành với tốc độ đô thị hóa mà chỉ đơn thuần là việc đầu cơ, mua - bán và đẩy giá.


Nhiều nhà đầu tư bất động sản chôn vốn vì ăn theo thông tin quy hoạch (Ảnh: TN)

"Đối với phía địa phương, sự thúc đẩy của thông tin quy hoạch các dự án hạ tầng nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới các cơn sốt đất, tình trạng đầu cơ đất đai khiến giá đất tăng cao. Khi giá đất tại khu vực quy hoạch thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế, công tác giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn, tiến độ dự án hạ tầng có nguy cơ chậm lại", VIRES cảnh báo.

Ngoài ra, nhà đầu tư đối mặt với rủi ro sẽ xảy đến khi mua bất động sản với giá cao trong các cơn sốt đất ăn theo quy hoạch hạ tầng. Từ khi có quy hoạch đến lúc dự án hạ tầng được chấp thuận chủ trương đầu tư thường mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng khi đã có chủ trương, thậm chí đã được cấp vốn vẫn gặp nhiều khó khăn, ách tắc trong quá trình triển khai, dẫn tới tiến độ bị kéo dài. Trên thực tế, không ít nhà đầu tư bất động sản "ăn theo" quy hoạch hạ tầng đã bị chôn vốn trong nhiều năm hoặc chịu lỗ lớn.

Nhiều chuyên gia nhận định những cơn sốt đất trong thời gian qua diễn ra ở những khu vực có thông tin quy hoạch hay đang triển khai đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, tình trạng này qua nhanh khiến nhiều nhà đầu tư “mắc cạn”. 

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đầu tư ăn theo quy hoạch hạ tầng là cách đầu tư được ưa chuộng lâu nay bởi lợi ích mà nó mang lại rất lớn. Dù vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc, nhất là khi sử dụng đòn bẩy tài chính bởi không phải nhà đầu tư nào cũng đủ sức "ăn theo". Hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án hạ tầng này mang tính dài hạn.

Thái Nguyễn
Theo báo Dân Việt