Thứ ba, 19/03/2024 | 13:55
RSS

Cả Tết uống rượu bia, làm cách nào cho đúng để thải độc, bảo vệ gan?

Thứ năm, 22/02/2018, 14:51 (GMT+7)

Với những người đã trót uống khá nhiều rượu bia dịp Tết chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt là gan. Vậy làm sao để thải độc gan cho đúng.

Những hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia

thải độc gan thế nào sau khi uống nhiều rượu bia
Các vấn đề sức khỏe liên quan đến rượu bia

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam được xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia tính theo cồn nguyên chất.

Rượu bia là nguyên nhân gây ra 5,7% tổng số ca tử vong; có liên quan đến 35,2% các ca tai nạn giao thông ở nam giới; là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018” cho biết, hậu quả của vấn đề lạm dụng rượu bia rất đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay. Việc sử dụng rượu bia sẽ kéo theo rất nhiều hậu quả nảy về sức khỏe. Cụ thể, rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh, có khoảng 7 loại ung thư có nguyên nhân trực tiếp; có khoảng 10 loại ung thư là nguyên nhân có liên quan đến rượu bia.

Trong Tết Nguyên đán vừa qua, tại khoa cấp cứu và khoa Tiêu hóa của BV Bạch Mai đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân bị xơ gan, men gan tăng, viêm tụy...nguyên nhân chủ yếu là do uống rượu bia...

Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết việc lạm dụng rượu, bia làm men gan tăng cao từ đó sẽ làm phá hủy tế bào gan. Nguy hiểm là tế bào gan bị phá hủy không thể phục hồi. Theo BS Hùng thì dù sử dụng rượu bia chỉ với lượng nhỏ cũng đã ảnh hưởng đến gan.

Với những người uống rượu nhiều năm khả năng cao sẽ dẫn đến xơ gan, viêm tụy...Từ xơ gan rồi ung thư gan là cả một quá trình dài điều trị gây ra gánh nặng về tinh thần và cả kinh tế cho gia đình người bệnh.

Còn theo TS BS Vũ Trường Khanh – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, thường những bệnh nhân bị xơ gan sẽ dẫn đến chảy máu tiêu hóa rất nhiều. Có bệnh nhân có tiền sử chảy máu thực quản nhiều lần trên nền xơ gan nhưng lại khó bỏ rượu.

TS Khanh cho biết thêm, nhu cầu sử dụng rượu bia trong dịp Tết rất cao. Người bình thường, vui Tết có uống quá một chút thì sau đó cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân nghiện rượu có tiền sử xơ gan, viêm gan thì vào dịp Tết chỉ cần một chén rượu, bia sẽ bị nghiện lại.

Thải độc gan đúng cách: Đừng lạm dụng thuốc bổ gan

thải độc gan thế nào sau khi uống nhiều rượu bia 2
Một ca cấp cứu nguyên nhân do rượu tại Bệnh viện Bạch Mai

Theo TS Dương Đức Hùng, khi đã uống rượu, bia nhiều trong dịp Tết, để giải độc cho gan, việc đầu tiên là chấm dứt không đưa chất độc là rượu, bia vào cơ thể. Tiếp đến hãy uống thật nhiều nước để đào thải độc tố ra ngoài.

“Lúc này, tuyệt đối không nên uống một đống thuốc gọi là bổ gan để thải độc cho gan vì khi uống thuốc nhiều càng làm cho gan phải chuyển hóa, làm việc nhiều hơn, như thế gan càng “vất vả” hơn. Thay vào đó, hãy ăn uống nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa, cân bằng các nhóm đạm, đường, chất béo, chất xơ”- TS Hùng khuyến cáo trên Sức khỏe và Đời sống.

Do đó TS Hùng khuyến cáo cần phải có sự thay đổi về nhận thức và thói quen uống rượu, chúc tụng rượu bia trong ngày Tết kiểu như “rượu bất khả ép, ép bất khả từ” bởi chúng ta cứ nghĩ chỉ uống rượu đến khi phải nhập viện mới nguy hiểm, mà trên thực tế khi chúng ta sử dụng quá nhiều rượu, bia dù chưa đến bệnh viện cũng đã gây tổn hại nghiêm trọng cho gan.

TS Hùng cho biết thêm, còn rất nhiều tình trạng sau uống rượu bia say, nôn mửa…ở nhiều gia đình, nhưng chưa đến mức phải đi viện, hoặc đi viện nhưng ở tuyến dưới nên chưa thể thống kê hết. Bên cạnh đó những trường hợp ngộ độc rượu chuyển đến Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thường là quá nặng, đã rơi vào hôn mê, suy đa tạng, mất tri giác…

Còn theo TS.BS Vũ Trường Khanh, có thể thấy, một vài vụ ngộ độc rượu cấp tính khiến 5-7 người tử vong là nghiêm trọng. Nhưng điều đó không thấm tháp với những người đang chết mòn khi mắc các bệnh mãn tính do rượu.

Bởi vậy các chuyên gia y tế đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về “nạn dịch” lạm dụng rượu, bia – một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của những bệnh không lây nhiễm và gây ra những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội.

TH
Theo Sức khỏe& Đời sống/Vnexpress