Thứ bảy, 11/05/2024 | 16:33
RSS

Bé gái 7 tháng tuổi suýt chết vì ăn cháo lươn

Thứ ba, 19/05/2020, 15:05 (GMT+7)

Một bé gái trú tại An Giang trong lúc ăn cháo lươn đã bị hóc xương cá, khạc ra cả máu lẫn xương cá.

Bé gái 7 tháng tuổi suýt chết vì ăn cháo lươn
Bé gái 7 tháng tuổi suýt chết vì ăn cháo lươn. Ảnh minh họa gắp dị vật cho trẻ. Báo Tiền Phong.

Ngày 19/5, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố cho biết, BV vừa cấp cứu cho bệnh nhi bị hóc dị vật khi tập ăn dặm.

Sau khi thăm khám, chụp x-quang và hội chẩn, các bác sĩ cấp cứu và hô hấp tại BV nghi ngờ bé hóc dị vật, dị vật tắc nghẽn một nhánh phổi nên gây ứ khí toàn bộ nửa trên phổi phải nên đã phối hợp cùng các bác sĩ gây mê tiến hành nội soi cho bé.

Trong khi nội soi, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên -  Trưởng khoa Hô hấp, trưởng ê-kíp Nội soi Hô hấp của bệnh viện đã phát hiện ra dị vật là một đốt xương lươn nằm bít hoàn toàn phế quản trung gian bên phải. Đốt xương nhiều gai sắc nhọn, trơn tuột và rất khó gắp. 

Trong quá trình tiến hành gặp dị vật, bác sỹ cùng êkip đã phải hết sức cẩn thận, tránh tổn thương niêm mạc đường thở nhất có thể, soi kiểm tra thông thoáng toàn bộ đường thở mới yên tâm.

Phim chụp kiểm tra sau đó 2 phế trường đã sáng đều, viêm phổi cải thiện nhanh chóng, đáp ứng kháng sinh, bé cai máy thở tốt, lực thở khá và sức khỏe dần ổn định.

Được biết trước đó, vào ngày 14/5 gia đình đã cho cháu bé tập ăn dặm bằng cháo lươn. Sau đó, lúc tắm bé ho sặc sụa, khạc ra xương lươn lẫn ít máu đỏ tươi lượng ít khoảng 2 lần.

Ngay lập tức, bé được gia đình đưa đến trung tâm y tế địa phương. Tuy nhiên, bé vẫn khó thở hơn nên được chuyển đến bệnh viện An Giang, thở oxy, phun thuốc khí dung, đặt ống giúp thở.

Dẫu vậy, để đảm bảo an toàn bởi cháu bé còn quá nhỏ, bé đã được các y bác sỹ chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Thông tin thêm, các chuyên gia khuyến cáo, khi mắc dị vật bất kỳ, việc đầu tiên là tìm cách khạc dị vật ra, hoặc nôn ọe để dị vật trôi ra, không cố nuốt vào.

Khi cho con trẻ ăn dặm, cần lọc kỹ các loại thức ăn có xương nhỏ hoặc xương cứng để bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ nhỏ. Trường hợp khạc dị vật không ra thì tốt nhất nên đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp sớm và đúng cách.

Trúc An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN