Chủ nhật, 05/05/2024 | 10:04
RSS

Báo động: Không chỉ đái tháo đường type 2, đái tháo đường type 1 cũng đang gia tăng

Thứ năm, 23/11/2017, 20:21 (GMT+7)

Hiện nay không chỉ đái tháo đường type 2 mà ngay cả đái tháo đương type 1 cũng đang gia tăng và nguy hiểm hơn đái tháo đường type 1 không thể phòng ngừa.

bệnh đái tháo đường type 2 đang gia tăng
Không chỉ bệnh đái tháo đường type 2 mà bệnh đái tháo đường type 1 cũng đang gia tăng

Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người (trong độ tuổi 20-79) bị bệnh ĐTĐ, tương đương cứ 11 người có một người bị ĐTĐ, đến năm 2040 con số này sẽ là 642 triệu, tương đương cứ 10 người có một người mắc bệnh.

Theo GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang tăng nhanh trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tổng quan chung về bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Bệnh đái tháo đường có 3 loại chính là đái tháo đường type 1, type 2 và type 3.

Đái tháo đường type 1: chiếm tỷ lệ từ 5-10% do tuyến tụy không tiết đủ Insulin nên người bệnh phải sử dụng Isulin thường xuyên, bệnh này thường gặp ở tuổi trẻ thanh niên chừng dưới 20 tuổi.

Đái tháo đường type 2: chiếm tỷ lệ cao từ 90-95%, do rối loạn chuyển hóa, sản sinh ra các yếu tố kháng Insulin. Trường hợp này thường xuất hiện ở độ tuổi trên 40, người có gen béo phì hoặc béo cục bộ, ít vận động.

Đái tháo đường type 3 hay còn gọi là bệnh đái tháo đường thai kỳ: Là tình trạng tăng đường huyết chỉ xảy ra trong quá trình mang thai và thường sẽ tự khỏi sau khi em bé ra đời. Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai dễ bị mắc đái tháo đường là do những hormone của nhau thai tiết ra làm giảm sự nhạy cảm của insulin đối với tế bào, còn được gọi là hiện tượng đề kháng insulin. Có khoảng 4% phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ

Tình hình bệnh đái tháo đường tại Việt Nam

Ở Việt Nam, năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh đái tháo đường chỉ là 1,1% (Hà Nội), 2,25% (TP.HCM), 0,96% (Huế), hiện nay tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5.42%. Đặc biệt, tỷ lệ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%, tức bệnh nhân đã mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện. Khi đó, bệnh sẽ diễn biến âm thầm, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

Theo kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18-69, cho thấy tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 4,1%, tiền ĐTĐ là 3,6%, trong đó tỷ lệ ĐTĐ được chẩn đoán là 31,1%, tỷ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 69,9%. Trong số những người được chẩn đoán, tỷ lệ ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế: 28,9, tỷ lệ ĐTĐ chưa được quản lý: 71,1%.

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 trong số các nguyên nhân gây tử vong; đứng hàng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây biến chứng mù lòa ở người trưởng thành. 

Theo công bố của Tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường đứng 10 trên thế giới và trong 10 năm qua, số bệnh nhân mắc đái tháo đường đã tăng lên 5,7% trên tổng dân số với gần 5 triệu người mắc bệnh và cứ 10 ca thì có 6 ca được chuẩn đoán có những biến chứng gây tàn tật, đe dọa tính mạng.

bệnh đái tháo đường type 2 đang gia tăng gs thái hồng quang
GS.TS Thái Hồng Quang- Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam

Theo GS.TS Thái Hồng Quang, bệnh đái tháo đường được xem là “kẻ giết người” thầm lặng. Bệnh gây ra những biến chứng nặng nề như mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành, tử vong… trở thành gánh nặng bệnh tật không chỉ đối với người bệnh, gia đình mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia.

GS Quang cho biết thêm, hiện nay thì đái tháo đường type II cũng đã xuất hiện ở những người trẻ ở độ tuổi 30. Như vậy ta có thể thấy tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường Type 2 chiếm tỷ lệ rất cao mà nguyên nhân chủ yếu là yếu tố xã hội như béo phì, chế độ dinh dưỡng, lối sống lười vận động gây ra.

Vì thế chúng ta có thể giảm những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường bằng cách phòng ngừa và kiểm soát tình trạng thừa cân/béo phì, gia tăng hoạt động thể lực bằng cách chơi thể thao và năng động trong mọi hoạt động, có chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng cách ăn đa dạng các loại thực phẩm, dùng nhiều loại thực vật, hạn chế ăn những thức ăn như đường, nước ngọt, kẹo…

Nguy hiểm hơn, theo GS Quang thì không chỉ bệnh đái tháo đường type 2 mà ngay cả bệnh đái tháo đường type 1 cũng đang gia tăng.

Trong khi trong bệnh đái tháo đường type 2 các tế bào không được đáp ứng đúng với insulin hoặc không sản xuất đủ insulin thì với bệnh đái tháo đường type 1, cơ thể không sản xuất insulin, 

Những người bị bệnh tiểu đường Type 1 thường là dưới 20 tuổi. Đó là lý do tại sao loại bệnh tiểu đường này còn được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên hoặc bệnh tiểu đường trẻ em. Khoảng 15% trong số tất cả bệnh nhân mắc tiểu đường là loại 1. Bởi vì các tế bào tuyến tụy sản xuất insulin bị phá hủy, những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 sẽ sống hầu như suốt đời với căn bệnh này và phải tiêm insulin thường xuyên. Ngoài việc điều trị bằng insulin, tập thể dục và cẩn thận chú ý đến chế độ ăn uống là cần thiết để ngăn chặn các biến động của lượng đường trong máu. Bệnh đái tháo đường type 1 không thể phòng ngừa được.

Trong khi đó bệnh đái tháo đường type 2, GS.TS Thái Hồng Quang cũng chia sẻ thêm: “Mặc dù bệnh ĐTĐ rất nguy hiểm như một sát thủ thầm lặng nhưng điều khả quan là có tới 70% trường hợp ĐTĐ type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và tăng cường luyện tập thể lực”.

Nguyễn Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN