Thứ sáu, 26/04/2024 | 19:26
RSS

Vụ mua bán logo 'xe vua': Có đưa hối lộ nhưng không tìm được người nhận hối lộ

Thứ ba, 14/08/2018, 07:32 (GMT+7)

Dự kiến sáng nay (14/8), TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử vụ án "Đưa và môi giới hối lộ" đối với 10 bị cáo mua bán logo 'xe vua' hầu tòa.

Vụ mua bán logo 'xe vua': Có đưa hối lộ nhưng không tìm được người nhận hối lộ
Một bị cáo trong phiên xét xử vụ logo xe vua. Ảnh Dân trí

Ngày 14/8, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử đường dây mua bán "logo xe vua", giải cứu xe quá tải do 2 bị cáo Nguyễn Văn Thới (sinh năm 1976), Lê Thị Cẩm Vân (sinh năm 1982) cầm đầu và các đồng phạm về các tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ.

Liên quan vụ án Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973, nguyên cán bộ đội 1 – phòng CSGT tỉnh Đồng Nai) bị cáo buộc tội môi giới hối lộ, theo báo Dân trí.

Theo cáo trạng, Thới đã làm quen với một số cán bộ lực lượng thanh tra giao thông và CSGT Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. Qua đó, Thới đặt vấn đề sẽ nộp tiền và dán ký hiệu logo lên các đầu xe quá tải để một số cán bộ thanh tra giao thông, CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ nhận biết được và không xử phạt.

Cũng theo cáo trạng, Thới đã nhờ ông Nguyễn Cảnh Chân giúp để CSGT không xử phạt lỗi chở hàng quá tải đối với những xe có dán logo do Thới bán. Ông Chân đồng ý và nói với 1 đội trưởng đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai về việc Thới nhờ và ông này đồng ý. Từ tháng 7/2014 đến tháng 2/2015, Thới đã 7 lần chuyển tiền cho ông Chân với tổng số gần 600 triệu đồng.

Tháng 4/2015, vị đội trưởng trên bị bệnh chết, ông Chân tiếp tục nhờ 1 Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai giúp và được đồng ý. Thới đã chuyển cho Chân 600 triệu đồng để nhờ hối lộ, Chân đưa cho vị Phó phòng này 300 triệu đồng và giữ lại 300 triệu đồng.

Đường dây mua bán “logo xe vua" bảo kê xe quá tải do Thới cầm đầu hoạt động từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015 đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng.

Thới sử dụng gần 5 tỉ đồng để đưa hối lộ 79 lần cho các cán bộ Thanh tra giao thông, CSGT trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Trong đó, đưa hối lộ ít nhất là 9 triệu và nhiều nhất là 150 triệu đồng.

Thới sử dụng 17,8 tỉ đồng nộp phạt cho các xe có dán logo nhưng vẫn bị xử phạt, trả tiền thuê người đứng canh cảnh giới còn lại hưởng lợi 1,3 tỉ đồng.

Tương tự, bị can Lê Thị Cẩm Vân cũng đã bán logo cho các chủ xe, thu tổng cộng 7,9 tỉ đồng. Số tiền này, Vân chi cho cán bộ Đội 7, Đội 8 Thanh tra giao thông TPHCM với số tiền 300.000 đồng/xe/tháng.

Tại cơ quan điều tra, các bị cáo khai nhận đã đưa hối lộ cho 62 cán bộ của đội, trạm trong lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Cơ quan điều tra đã triệu tập và lấy lời khai của 62 cán bộ, chiến sĩ nêu trên nhưng những người này không thừa nhận.

Đối với lực lượng cán bộ thanh tra giao thông, cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai 18 người. Kết quả không có người nào thừa nhận đã nhận tiền của Vân, Thới để không xử phạt các xe quá tải. Tiến hành nhận diện qua ảnh, Vân chỉ nhận diện được 1 đội phó 1 đội thanh tra giao thông TPHCM.

Tất cả các cán bộ mà các bị can khai đưa hối lộ đều thể hiện đầy đủ tên tuổi, đơn vị công tác trong cáo trạng.

Đáng chú ý có ông P.V.H (nguyên Ðội trưởng Ðội CSGT Cát Lái) ông H. là cái tên được bị can Trần Quốc Thái nhắc đến khi liệt kê những người mà bị can này khai đã đưa tiền để nhờ được bảo kê xe quá tải. Theo cáo trạng, lúc đối chất, bị can Trần Quốc Thái nhận dạng được ông H. và giữ nguyên lời khai, tuy nhiên ông H. nói không biết Thái.

Phiên tòa được xử sơ thẩm lần 1 vào ngày 19/4/2018, nhưng khi phần xét hỏi đang diễn ra thì HĐXX thông báo do lời khai các bị cáo có nhiều thay đổi nên cần điều tra lại, do vậy Chủ tọa đã quyết định trả hồ sơ, Infonet đưa tin. 

Sau gần 2 tháng, đến ngày 12/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã có kết luận việc điều tra bổ sung. Trong kết luận này, Cơ quan CSĐT cho rằng việc bị cáo Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Nguyễn Minh Thiên thay đổi lời khai tại tòa là không đúng.

Đơn vị này khẳng định việc Thới khai rằng đã bị 3 cán bộ điều tra chích điện nên tinh thần hoảng loạn là không có căn cứ. Cơ quan CSĐT khẳng định “Thới khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của Thới là hoàn toàn tự nguyện và khách quan”.

Tương tự với bị cáo Lê Thị Cẩm Vân, theo Cơ quan CSĐT, lời khai của bị cáo thay đổi tại tòa là không đúng mà vẫn giữ nguyên lời khai trước đây.

Trong phiên tòa diễn ra vào tháng 4 vừa qua, bị cáo Vân cho biết mình bị ép ký vào danh sách xe với lời đe dọa nếu không ký sẽ bị treo cổ và chích điện nên buộc phải thực hiện.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT khẳng định đã cho bị cáo Vân kiểm đếm lại số lượng xe mua logo trong danh sách và đồng ý ký xác nhận, không có việc Vân bị hù dọa không ký sẽ bị treo cổ, chích điện như đã khai.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, bị cáo Thới, Vân và các đồng phạm đã câu kết với một số lái xe, chủ xe hay lưu thông trên những tuyến đường ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM để gom tiền hối lộ cho cán bộ Thanh tra Giao thông, CSGT để xe chở quá tải không bị phạt.

Để thực hiện, Thới và Thái đã in logo có số 68 và chữ “Gara Thành Đô”, Vân in logo có chữ “Xe chở hàng” để bán lại cho các chủ xe, từ đó lái xe dán vào đầu xe làm ký hiệu cho những người nhận hối lộ biết.

Từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Thới đã thu hơn 22 tỷ đồng và dùng 4,9 tỷ để đưa hối lộ 79 lần. 


Xem thêm: Trưởng công an xã bị tố dẫn côn đồ đi làm điều không thể ngờ này với dân​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN