Thứ sáu, 01/11/2024 | 00:01
RSS

U nang thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng bệnh

Thứ sáu, 22/01/2021, 16:28 (GMT+7)

Tình trạng khàn tiếng, mất tiếng là một triệu chứng phổ biến thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì đó là dấu hiệu của bệnh u nang thanh quản.

U nang thanh quản là gì?

Thanh quản là một bộ phận của đường hô hấp trên, có vai trò tạo ra âm thanh và giọng nói. Nếu hai dây thanh này bị viêm, phù nề hoặc xuất hiện khối u sẽ gây rối loạn phát âm như khàn tiếng, kho nói, mất tiếng…

U nang thanh quản là sự hình thành khối u bên trong dây thanh quản. Các khối u này được bao bọc bên trong lớp màng màu trắng đục và bên trong chúng chứa chất nhầy hoặc mũ. Theo các chuyên gia, các khối u nang này được hình thành do sự tắc nghẽn các tuyến chất nhầy ở niêm mạc dây thanh khi không được đưa ra ngoài.

U nang thanh quản, nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng bệnh

Bệnh u nang thanh quản gây rối loạn phát âm (Ảnh minh họa)

Các u nang thanh quản này thường phát triển dưới niêm mạc và dọc theo chiều dài của dây thanh quản. Thông thường, bệnh hay xuất hiện ở những nam giới có độ tuổi từ 40 – 45 và hiện nay đang có dấu hiệu trẻ hóa, thường xuyên xuất hiện ở những người trẻ tuổi dưới 30 và phụ nữ.

Nguyên nhân bị u nang thanh quản?

La hét và nói quá nhiều

U nang thanh quản, nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng bệnh

Ảnh minh họa

Những chấn thương lặp đi lặp lại lên thanh quản gây ra tình trạng polyp và hạch nếp gấp thanh quản có thể do thói quen liên tục nói nhiều, nói lớn hoặc gào thét trong thời gian dài. Lời khuyên của các chuyên gia đó là không nên nói quá nhiều, nói với mức độ vừa phải, độ lớn đủ nghe.

Uống quá nhiều rượu và hút thuốc lá

Thường xuyên sử dụng các chất kích thích độc hại như khói thuốc lá, lạm dụng rượu bia hoặc tình trạng trào ngược axit dạ dày lên thanh quản (laryngopharyngeal reflux) cũng góp phần vào việc hình thành nên polyp và hạch nếp gấp thanh quản.

Lười uống nước

Nước giúp bôi trơn thanh quản và hạn chế những tổn thương do ma sát gây ra. Do đó, những người có thói quen lười uống nước sẽ khiến cổ họng bị khô rát, lâu dần sẽ có cảm giác đau rát và ảnh hưởng đến thanh quản. Ngoài ra, do tính chất công việc nhiều dân văn phòng thường xuyên ngồi trong phòng máy lạnh, đây được xem là tác nhân khiến cơ thể bạn bị thiếu nước.

Triệu chứng bệnh u nang thanh quản?

Một số dấu hiệu thường gặp ở bệnh u thanh quản đó là khàn tiếng, mất tiếng, bị hụt hơi và nói không ra hơi. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi khi nói hoặc hát và không thể hát được nốt cao như trước. Ngoài ra, thường xuyên đằng hắng họng là một trong những dấu hiệu thường gặp ở bệnh u thanh quản.

Biện pháp phòng tránh bệnh u nang thanh quản

Sau khi điều trị, bệnh u nang thanh quản vẫn có thể tái phát trở lại nếu người bệnh không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

- Thường xuyên súc nước muối để vệ sinh vùng họng sạch sẽ, loại bỏ các loại vi khuẩn gây hại đến thực quản. Đánh răng 2 lần/ngày vào mỗi buổi sáng và tối.

U nang thanh quản, nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng bệnh

Ảnh minh họa

- Khi thời tiết có dấu hiệu chuyển lạnh, nên có các biện pháp để bảo vệ vùng cổ họng như mặc áo ấm cao cổ, dùng khăn choàng cổ,…

- Nên hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và chứa chất kích thích, đây là nhóm thực phẩm có hại cho sức khỏe và có thể gây tổn thương cho thanh quản.

- Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, tăng cường sử dụng loại rau xanh và trái cây tươi để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tăng cường luyện tập thể dục thể thao giúp nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng và chống lại các tác nhân gây hại.

- Hạn chế sử dụng các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, đồ ăn chế biến sẵn,… gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và dễ gây kích ứng lên thanh quản.

Khi mắc phải các căn bệnh cấp tính về đường hô hấp hoặc thanh quản nên đến gặp bác sĩ để được phác đồ điều trị dứt điểm. Tránh để lâu bệnh chuyển biến sang mãn tính làm gia tăng nguy cơ hình thành các u nang thanh quản.

Hoàng Ly (T/H)
Theo GĐVN