Thứ bảy, 27/04/2024 | 05:22
RSS

Từ ngày 18/3, chỉ được hỏi cung khi có ghi âm, ghi hình

Thứ năm, 15/03/2018, 11:40 (GMT+7)

Từ ngày 18/3, cán bộ hỏi cung chỉ được thực hiện hoạt động tố tụng này khi bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đối với nghi phạm.

Từ ngày 18/3, chỉ được hỏi cung khi có ghi âm, ghi hình
Từ ngày 18/3, chỉ được hỏi cung khi có ghi âm, ghi hình. Ảnh minh họa/ Nguồn: ANTĐ

Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018 hướng dẫn về trình tự; thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 18/3/2018.

Theo thông tư, cán bộ hỏi cung chỉ được thực hiện hoạt động tố tụng này khi bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, pháp luật TP. HCM đưa tin.

Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội (gọi tắt là người bị hỏi cung) phải đăng ký với cán bộ chuyên môn tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở CQĐT, VKS để được bố trí phòng chuyên dụng trong việc ghi âm, ghi hình có âm thanh.

Sau đó, cán bộ hỏi cung làm thủ tục trích xuất đối với bị can bị tạm giam hoặc triệu tập bị can đang tại ngoại theo quy định (không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở cơ sở giam giữ, trừ trường hợp đối chất với bị can đang bị tạm giam). Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải được thông báo cho người bị hỏi cung và ghi vào biên bản.

Đặc biệt, trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội (PNTMPT), theo báo Người lao động.

Nếu đang hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của PNTMPT mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai.

Trong giai đoạn truy tố, viện trưởng, phó viện trưởng VKSND, kiểm sát viên sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh để phục vụ truy tố và làm cơ sở xác định tính khách quan trong hỏi cung BC để đánh giá chứng cứ; kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; có hay không bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra.

TAND công bố nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra khi bị cáo tố cáo bị bức cung, nhục hình hoặc bị cáo, người đại diện theo pháp luật của PNTMPT thay đổi lời khai hay khi có đề nghị của kiểm sát viên, điều tra viên và những người tiến hành tố tụng khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 14/3, ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TP HCM, đánh giá quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung BC là rất tiến bộ, phù hợp với thực tiễn. 

"Trước đây, trong các bản cung luôn có mục cuối cùng là BC đã đọc rõ nội dung hỏi và trả lời, sau đó ký tên. Trên thực tế, thời điểm hỏi cung như vậy, không có ghi âm, ghi hình, chỉ có BC và điều tra viên, buộc các BC phải ký vào bản cung. Tình trạng ép cung, mớm cung, đánh đập BC gây ra rất nhiều bức xúc, nhiều vụ oan sai trong suốt một thời gian dài" - ông Hùng nhấn mạnh.


“Trùm” đường dây đánh bạc khiến tướng Nguyễn Thanh Hoá bị bắt là ai?

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN