Thứ hai, 13/05/2024 | 08:19
RSS

Thu giữ hơn 1.000 bộ quân phục lạ, không rõ xuất xứ Kon Tum

Thứ ba, 13/06/2023, 16:17 (GMT+7)

Cơ quan Quản lý thị trường Kon Tum và Công an huyện Đắk Hà (Kon Tum) phát hiện kho quần áo nhập lậu lớn của một hộ dân ở thị trấn Đăk Hà, với 1.000 bộ quần áo rằn ri cũ, mang nhãn hiệu nước ngoài, không rõ xuất xứ hàng hóa.

Sự kiện:
Kon Tum

Thu giữ hơn 1.000 bộ quân phục lạ, không xuất xứ Kon Tum

Cửa hàng của bà Nguyệt kinh doanh các mặt hàng quần áo, trong đó có các bộ quân phục lạ không rõ xuất xứ. Ảnh: Báo Giao Thông

Theo báo giao thông ngày 12/6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã tống đạt quyết định thu giữ và xử phạt một chủ cơ sở kinh doanh áo quần không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, chiều 1/6, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum) phối hợp với Công an huyện Đắk Hà và Ủy ban nhân dân thị trấn Đắk Hà đã kiểm tra đột xuất cửa hàng của bà Vũ Thị Nguyệt tại số nhà 183 đường Hùng Vương, thị trấn Đắk Hà.

Tại cửa hàng này, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 1.000 bộ quần áo rằn ri cũ đã qua sử dụng, mang nhãn hiệu nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, tất cả các bộ quần áo rằn ri này đều có họa tiết giống như quân tư trang của quân đội nước ngoài; đi kèm các quần áo giống quân tư trang còn có các mũ đội giống quân tư trang lực lượng quân đội không phải của Việt Nam

Thu giữ hơn 1.000 bộ quân phục lạ, không xuất xứ Kon Tum

Lực lượng chức năng thu giữ tang vật. Ảnh: TTXVN

Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ và tạm giữ toàn bộ số quần áo trên. Đây là lần đầu tiên lực lượng phát hiện kho hàng quần áo rằn ri với số lượng lớn.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đã quyết định xử phạt hành chính bà Nguyệt 50 triệu đồng về các hành vi “Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là hàng hóa cấm nhập khẩu có giá trị 50 triệu đồng” theo quy định tại điểm g, khoản 1 và điểm b, khoản 2, Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Đồng thời, tịch thu hơn 1.000 chiếc áo dài đã qua sử dụng, trên nhãn áo thể hiện thông tin xuất xứ từ nước ngoài là hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu.

Theo nguồn tin từ Thông tấn xã Việt Nam, cửa hàng của bà Nguyệt là một trong những “kho” hàng quần áo rằn ri lớn nhất tỉnh Kon Tum. Các mặt hàng này thường được người dân mua về mặc khi lao động trong các vườn cà phê. Đăk Hà là địa phương có diện tích càphê lớn nhất tỉnh Kon Tum, người dân thường mua quần áo rằn ri để lao động, sinh hoạt hàng ngày.

Huy (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại