Thứ sáu, 26/04/2024 | 23:25
RSS

Chủ xe phản ứng thế nào khi BGTVT triển khai dán tem thu phí tự động khi qua BOT?

Thứ ba, 06/03/2018, 11:13 (GMT+7)

Nhằm triển khai thu phí tự động tại các BOT, trong năm 2018 sẽ triển khai dán tem đối với 3,2 triệu ô tô, thúc đẩy tiến độ triển khai thu giá tự động đồng loạt vào năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ gặp khó.

Tài xế ngại dán tem thu phí tự động với ô tô khi qua BOT
Trạm thu phí tự động tại Nghệ An ít xe qua lại. Ảnh Lao động.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân khiến việc thu phí tự động bị ỳ ạch trong đó có chuyện một số nhà đầu tư né tránh không muốn thu phí tự động vì ngại minh bạch.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư BOT cho biết họ ủng hộ chủ trương thu phí không dừng nhưng không muốn ký hợp đồng với Công ty TNHH thu phí tự động VETC vì đó là dạng “đàm phán ép buộc” kiểu độc quyền, vì hiện mới có công ty này chính thức được cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và mức thu phí trên tổng doanh thu còn cao, Báo Lao động đưa tin.

Còn khảo sát tại một số trạm đăng kiểm cho thấy nhiều chủ xe chưa quan tâm và không muốn dán tem thu giá tự động dù được dán miễn phí. Trao đổi với Báo Lao Động, ông Phan Đức - Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 1501V - Hải Phòng cho biết đơn vị ông triển khai dán tem thu phí không dừng từ rất sớm vào cuối năm 2016 nhưng phần lớn khách hàng chưa quan tâm, thậm chí không đồng ý cho dán tem vì chưa có nhiều trạm thu phí triển khai thu phí không dừng hoặc có triển khai thì mới có một làn còn phần lớn đều thu phí theo mô hình cũ.

Nhiều chủ xe khi được hỏi cho biết, chưa biết về dịch vụ này hoặc chỉ nghe qua chứ chưa hiểu cách dùng. Có chủ xe đã dán tem hơn một năm nhưng “không buồn” nạp tiền vì vẫn quen trả kiểu thủ công.

Còn theo ông Lê Tiến Khánh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Phú Thọ - Hiệp hội cũng như các DN đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT nhưng thực tế tới nay việc dán tem cũng như sử dụng thu giá tự động chưa nhiều vì “không phải trạm nào cũng thu giá tự động và còn có quá ít thông tin nên các lái xe vẫn dùng vé”. Ông Khánh cho rằng, khi nào các trạm thu giá tự động hết và bắt buộc thì các lái xe sẽ tuân thủ chứ hiện nay một xe từ Bắc vào Nam “chỗ tự động, chỗ không thì khó”.

Theo quy định mới từ cuối 2018, khoảng 3,2 triệu phương tiện ôtô sẽ được dán tem thu giá tự động (thẻ Etag) để đến năm 2019, tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện thu giá tự động, Vietnamplus đưa tin.

Về tình hình triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có 39 trạm đang tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (32 trạm trên Quốc lộ 1 và 7 trạm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; 

Ngoài ra, 35 trạm do Bộ giao thông Vận tải quản lý và 4 trạm do địa phương quản lý) trong đó có 2 trạm dự kiến không triển khai hệ thống thu giá không dừng (trạm Tào Xuyên đang dừng thu, trạm cầu Rác có thời gian thu còn lại ngắn).

Đối với công tác triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan của Bộ làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư điều chỉnh, thực hiện thống nhất một công nghệ thu giá tự động không dừng tại tất cả các dự án.

Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành Thông tư xử phạt với nhưng trường hợp đi qua trạm BOT không có tiền trong tem, thẻ thu phí không dừng, xử phạt cao gấp 10-20 lần thì người dân sẽ phải nộp tiền vào, nhà đầu tư không dám cho nợ.

"Đến năm 2019, tại tất cả các trạm BOT trên phạm vi toàn quốc sẽ thực hiện thu giá tự động," Bộ trưởng Thể khẳng định.


Xem thêm: Ô tô chở hơn chục khách cháy ngùn ngụt trên đại lộ ở Sài Gòn​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN