Thứ sáu, 17/05/2024 | 17:16
RSS

Số trẻ mắc ho gà tăng nhanh, Sở Y tế Hà Nội ra khuyến cáo

Thứ ba, 05/03/2024, 17:05 (GMT+7)

Trước tình hình số trẻ em mắc ho gà tăng nhanh, Sở Y tế Hà Nội đã ra khuyến cáo tiêm phòng vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 5/3 cho biết, trong 2 tuần vừa qua (từ ngày 16/2-1/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 6 ca mắc ho gà (mỗi tuần 3 ca). Tính từ đầu năm 2024 cho đến nay, Hà Nội đã có 9 ca mắc ho gà; trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.

Đáng chú ý là qua khai thác bệnh án, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc xin phòng bệnh. Đơn cử như bé trai 5 tuần tuổi (ở quận Ba Đình, Hà Nội) chưa tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Bệnh nhi khởi phát bệnh với triệu chứng ho rũ rượi, nhiều đờm, sốt nhẹ và kết quả dương tính với ho gà.

Trường hợp tương tự là bé gái 5 tuần tuổi (ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Bé gái khởi phát bệnh với triệu chứng ho từng cơn, khò khè. Sau đó, ho tăng dần, cơn ho kéo dài 2-3 phút và sau ho xuất hiện hiện tượng tím tái, toát mồ hôi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi dương tính với ho gà.

Số trẻ mắc ho gà tăng nhanh, Sở Y tế Hà Nội ra khuyến cáo

Trẻ mắc ho gà đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: An ninh thủ đô

Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) Nguyễn Văn Lâm cho biết, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, dễ lây lan và thường tăng vào mùa đông - xuân.

Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình khoảng 9-10 ngày), ở thời kỳ này thường không có triệu chứng. Giai đoạn tiếp theo thường kéo dài khoảng 1-2 tuần, xuất hiện triệu chứng giống như viêm đường hô hấp: Sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng, hắt hơi, cuối giai đoạn này ho nặng thành cơn. Giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1-6 tuần, có trường hợp đặc biệt kéo dài trên 10 tuần với các biểu hiện cơn ho điển hình như: Ho rũ rượi thành từng cơn, mỗi cơn ho từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần.

Theo bác sĩ Lâm, ho gà có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm não. Thậm chí, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng cơ học như lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Do vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.

Trước tình hình số trẻ mắc ho gà có chiều hướng gia tăng như trên, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, việc tiêm phòng vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi); mũi 2 khi 3 tháng tuổi; mũi 3 khi 4 tháng tuổi; mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.

Theo Sở Y tế Hà Nội, cùng với việc tiêm phòng, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ cần được gia đình thực hiện hằng ngày.

Ngoài ra, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như: ho nhiều, ho có tím tái, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở….

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại