BS Nguyễn Thị Ly (BVĐK Medlatec) cho rằng, một thực tế hiện nay là trẻ bước vào tuổi dậy thì sớm hơn. Sự xuất hiện của hành kinh chính là tín hiệu cho thấy bé gái đã bắt đầu đến độ tuổi này và lúc này cơ thể có những thay đổi rõ rệt.
Số ngày "đèn đỏ" mỗi chu kì kinh bình thường dao động trong 3 - 5 ngày với lượng máu kinh trung bình từ 50 - 80ml. Rong kinh tức là số ngày "đèn đỏ" vượt quá 7 ngày và lượng máu kinh mất đi vượt ngưỡng 80ml.
Ảnh minh họa
Rong kinh có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào chứ không riêng tuổi dậy thì. Ở tuổi dậy thì, chu kì kinh nguyệt chưa hoàn chỉnh, rong kinh là bình thường.
Thời gian đầu mới có kinh về cơ bản những hiện tượng chảy máu bất thường đều là do vùng tuyến yên, đồi dưới, buồng trứng đang hoàn thiện nên mức độ ảnh hưởng của nó tới sức khỏe không quá nghiêm trọng. Đây là một giai đoạn sinh lý sẽ qua khi hết lứa tuổi này, từ 2- 5 năm.
Tuy nhiên, ở lứa tuổi này nhiều bạn gái lại thiếu kiến thức về cơ thể, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Người lớn lại lơ là, chủ quan dễ khiến trẻ ảnh hưởng đến tâm lý, học tập khi quá lo lắng. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây nhiều nguy hiểm cho trẻ. Máu kinh ra nhiều trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị mất đi một lượng máu khá lớn nên bạn gái dễ thiếu máu, chóng mặt, sút cân, da xanh,... Nặng có thể gây suy nhược cơ thể.
Nhiều khi rong kinh còn là tín hiệu cảnh báo nguy cơ viêm nhiễm bộ phận sinh dục, polyp cổ tử cung, u xơ cổ tử cung,... đe dọa sức khỏe và khả năng sinh sản sau này của nữ giới.
Theo các chuyên gia sản khoa, hầu hết các trường hợp rong kinh tuổi dậy thì đều lành tính nhưng cứ để kéo dài thì tình trạng thiếu máu càng tiến triển nặng, nữ giới suy giảm sức khỏe và tổn thương ở tuyến yên, vùng dưới đồi sẽ rất khó hồi phục. Việc điều trị về sau cũng khó có kết quả tốt, đe dọa đến sức khỏe sinh sản sau này của nữ giới.
Do đó, cha mẹ cần cho con đi thăm khám, điều trị rong kinh càng sớm khi có biểu hiện bất thường. Tuyệt đối, bạn gái không nên tự ý dùng các thuốc điều kinh. Tại các cơ sở y tế, các bạn nữ được làm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và có được phác đồ điều trị thích hợp. Trường hợp nhẹ có thể chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, tạo tâm lý thoải mái nhất có thể để kinh nguyệt trở lại bình thường.
Ở mức độ rong kinh nặng gây thiếu máu có thể sẽ cần dùng tới thuốc nội tiết tố để điều chỉnh hàm lượng estrogen và progesterone trong cơ thể. Song song dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin nhóm B như thịt, cá, trứng, sữa, pho mát... Ăn nhiều rau, hoa quả, nhất là những rau quả có màu đỏ đậm như cà rốt, cà chua... Ngoài ra, cần hạn chế các đồ nhiều chất béo, đồ kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá...