Thứ sáu, 01/11/2024 | 07:59
RSS

Lọc ảo chung trong tuyển sinh 2022: Giải đáp băn khoăn

Chủ nhật, 08/05/2022, 06:43 (GMT+7)

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022 nhận được sự đồng thuận từ các cơ sở đào tạo; tuy nhiên còn một số băn khoăn liên quan đến lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển.


Thí sinh trúng tuyển nhập học thì phải đủ điều kiện, trong đó có yêu cầu tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa

Không phức tạp hơn các năm trước

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay: Bộ đã tiếp nhận một số băn khoăn về dự thảo Quy chế tuyển sinh. Có ý kiến cho rằng, tuyển sinh năm nay, các trường không được chủ động như năm trước. “Thực ra, đó là do cách hiểu chưa đầy đủ. Các trường hoàn toàn chủ động và có thể làm như những năm trước”, Thứ trưởng khẳng định.

Nhắc lại, điều kiện để thí sinh trúng tuyển phải có kết quả tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng trao đổi: Trước đó, các trường đại học có thể công bố kết quả xét tuyển của mình. Nhưng việc gọi thí sinh trúng tuyển nhập học thì phải đủ điều kiện, trong đó có yêu cầu tốt nghiệp THPT. Các trường cần lưu ý thí sinh, khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung, nếu nguyện vọng trước đó đủ điều kiện trúng tuyển nên xếp vị trí số 1.

Đặt vấn đề, việc lọc ảo với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau (khoảng 20 phương thức), Bộ sẽ xử lý thế nào? Thứ trưởng trao đổi: Hệ thống của Bộ không xét tuyển mà chỉ lọc ảo. Tức là sắp xếp dựa trên các nguyện vọng của thí sinh để lựa chọn ra nguyện vọng trúng tuyển cao nhất.

“Về mặt kỹ thuật, hầu như không phức tạp hơn các năm trước. Việc xét tuyển, đưa danh sách thí sinh lên hệ thống là của cơ sở giáo dục đại học” – Thứ trưởng nói, đồng thời lưu ý các trường phân định, nguyện vọng nào mà thí sinh đã đăng ký trước đó (đã được xét tuyển rồi) và nguyện vọng nào được các trường xét tuyển trong thời gian 5 ngày thực hiện xét tuyển chung. Bộ không làm thay việc xét tuyển của các trường. Các trường hoàn toàn chủ động và tự chủ trong tuyển sinh.


Thí sinh lưu ý, nếu nguyện vọng trước đó đã đủ điều kiện trúng tuyển thì nên xếp ở nguyện vọng 1. Ảnh: TG

Sẵn sàng hỗ trợ thí sinh

Một trong những điểm mới năm nay là thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến. Với hàng triệu thí sinh đăng ký online, nhiều người lo lắng có thể xảy ra trục trặc về kỹ thuật.

Nhấn mạnh đến phương án xử lý, Thứ trưởng chia sẻ: Có hai tình huống có thể xảy ra: Một là, nhiều thí sinh không có điều kiện tiếp xúc, tiếp cận với máy tính, Internet; thậm chí kỹ năng truy cập mạng còn yếu. “Chúng tôi đã yêu cầu các sở GD&ĐT, trường phổ thông chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên để hướng dẫn và sẵn sàng hỗ trợ thí sinh” – Thứ trưởng thông tin, đồng thời dự lệnh đến tình huống thứ hai là: Nỗi lo về đường truyền ở một số vùng sâu, vùng xa, có thể không đảm bảo.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trước đó Bộ đã cho thí sinh thử nghiệm rất kỹ và phòng ngừa khả năng có hàng triệu thí sinh truy cập cùng thời điểm. Qua thời gian vận hành thử nghiệm không có sự cố nào xảy ra. Song, Bộ cũng dự phòng phương án nghẽn mạng. Khi đó sẽ có đội ngũ ứng trực mở rộng băng thông, đường truyền. Trong trường hợp đặc biệt, có thể cho các em đăng ký bằng giấy hoặc là kéo dài thời gian đăng ký. Thời hạn không quá gấp nên việc thêm thời gian không có gì khó khăn.

Trao đổi về cơ chế đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội: Học sinh từ học kỳ II lớp 11 chuyên sẽ được đăng ký học đại học trước ở các thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội Thứ trưởng nhìn nhận, thực tế có những học sinh là thần đồng với khả năng học vượt trội. Việc tạo điều kiện học trước với những em này cũng tốt. Nhưng cũng cần nhìn nhận toàn diện về vấn đề này và không phải áp dụng cho số đông.

Khi học phổ thông, các em không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn, mà còn nhiều thứ đáng học khác. Tuy nhiên, những môn học chính ở bậc đại học thường yêu cầu kiến thức nền tảng, kiến thức cơ sở thì mới học được. Khi đó, các em phải học hết kiến thức lớp 12 để có kiến thức nền tảng.

Cũng có những môn bổ trợ không cần kiến thức nền tảng của lớp 12 nhưng đã vào đại học thì phải có kiến thức của những môn quan trọng. Như vậy, chỉ em nào đã hoàn thành kiến thức lớp 12 mới có khả năng học môn học chính và những môn quan trọng trong chương trình. “Chúng tôi cũng ủng hộ những học sinh có năng khiếu đặc biệt nhưng không khuyến khích số đông đăng ký học đại học trước” – Thứ trưởng bày tỏ.

Bộ GD&ĐT dự kiến, tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất. Nếu xét tuyển bằng phương thức khác học bạ, hoặc dựa trên học bạ nhưng phức tạp hơn cần một hệ thống riêng thì phải thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển cho trường; đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước, nhưng sẽ tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của Bộ để lọc ảo cùng với phương thức khác.

 

Minh Phong (ghi)
Theo Giáo dục & Thời đại