Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:22
RSS

Hà Nội: Hàng trăm trẻ nhập viện vì dịch cúm hoành hành

Thứ năm, 18/01/2018, 19:15 (GMT+7)

Gần đây, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận hàng trăm ca bệnh nhi đến khám hoặc phải nhập viện do mắc bệnh cúm mùa, thậm chí, có nhiều trường hợp đã bị biến chứng nặng nề.

dịch cúm mùa khiến nhiều bệnh nhi nhập viện
Bệnh cúm mùa khiến nhiều bệnh nhi nhập viện

Bệnh cúm mùa khiến nhiều trẻ nhập viện

Trao đổi với PV Đời sống Plus, Ths.BS Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cho biết, cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virut cúm gây nên. Ở nước ta, các virut gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh thường tiến triển lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng, nguy hiểm...

BS Tuấn Anh cho biết, bệnh cúm xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Đây là thời điểm thuận lợi cho các loại virus sinh sôi, phát triển, trong đó có virus cúm. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp.

BS Tuấn Anh cũng cảnh báo, bệnh cúm mùa rất dễ lây, với trẻ có sức đề kháng tốt, bệnh sẽ chóng khỏi nhưng với trẻ đề kháng kém dễ bị sốt cao, co giật, thời gian hồi phục cũng lâu hơn. Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu không phòng tránh và chăm sóc đúng cách, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.

Sau khi bị nhiễm virut cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39-40 độ kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Hoặc có thể kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho... Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.​

Theo BS Tuấn Anh, thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà. 

Để hạ sốt cho trẻ, BS Tuấn Anh khuyến cáo, chỉ dùng paracetamol khi trẻ sốt trên 38 độ. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamin và cân bằng nước điện giải.

Nên phòng cúm như thế nào?

dịch cúm mùa khiến nhiều bệnh nhi nhập viện 2
Biện pháp phòng cúm hiệu quả nhất là tiêm vacxin

BS Tuấn Anh cho biết người thân nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ mắc cúm, tăng cường rửa tay, vệ sinh hô hấp khi ho khạc.

Khi trẻ bị cúm nên cách ly, hạn chế giao tiếp, không nên cho trẻ đến những chỗ đông người vì dễ phát tán vi rút, dễ lây bệnh cho những người xung quanh.

Một vấn đề nữa cũng được BS Tuấn Anh nhấn mạnh là nếu trẻ chỉ cúm thông thường, không có bội nhiễm, phụ huynh tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ để tránh tình trạng kháng kháng sinh rất nguy hiểm. Thay vào đó, cha mẹ chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sỹ. 

Ngoài ra, BS Tuấn Anh cũng lưu ý, biện pháp phòng, chống cúm hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng vacxin và nên định kỳ tiêm phòng nhắc lại hàng năm. Đặc biệt, các đối tượng có sức đề kháng yếu, trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 8 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ có ý định sinh con nên tiêm phòng cúm trước 3 tháng.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN