Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:59
RSS

Bị sốt xuất huyết nên và không nên uống những loại thuốc nào?

Thứ tư, 11/04/2018, 10:13 (GMT+7)

Bệnh nhân sốt xuất huyết nên và không nên uống thuốc nào để điều trị dứt điểm các triệu chứng bệnh và tránh những nguy cơ biến chứng nghiêm trọng khiến việc điều trị thêm phức tạp?

Bệnh nhân sốt xuất huyết nên và không nên uống thuốc nào
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên và không nên uống thuốc nào 

Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp ở Việt Nam đặc biệt trong mùa mưa. Bệnh có những cấp độ từ nhẹ đến nặng. Sốt xuất huyết nhẹ làm người bệnh sốt cao, nổi ban, nhức đầu, đau cơ bắp, đau khớp.

Nếu bị nặng - là trường hợp ít gặp hơn, người bệnh sẽ mắc hội chứng sốc sốc sốt xuất huyết, bị chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và thậm chí tử vong dù rất hiếm gặp.

So với năm 2017, tuy diễn biến của dịch sốt xuất huyết tháng 3, 4/2018 không dữ dội bằng, tuy nhiên cả nước đã ghi nhận có 3 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Vì vậy, mọi người cần lưu ý hơn các biện pháp phòng và điều trị bệnh này. Trong đó, việc sử dụng thuốc để chữa sốt xuất huyết như thế nào cũng cần bạn đặc biệt lưu ý.

Hiện nay, việc điều trị bệnh chỉ thông qua loại bỏ các triệu chứng bệnh chứ chưa có thuốc đặc trị. 

Bệnh nhân sốt xuất huyết nên và không nên uống thuốc nào
Có thể uống thêm các loại nước hoa quả để hỗ trợ điện giải và bù nước

Nên: uống nhiều nước oresol hoặc các loại nước thay thế

Sốt xuất huyết gây sốt cao liên tục, khiến thể tích máu trong lòng mạch của bệnh nhân suy giảm. Nếu để nghiêm trọng, máu sẽ cô đặc làm huyết áp tụt, nhịp tim nhanh dẫn đến nguy cơ trụy tim. Để tránh tình trạng này, người bệnh cần được bù nước và điện giải sớm bằng cách sử dụng dung dịch bù nước và điện giải Oresol. Oresol vừa hạn chế các biến chứng, lại khiến cơ thể người bệnh bớt suy nhược.

Khi sử dụng Oresol, cần chú ý pha thuốc đúng theo tỉ lệ được hướng dẫn trên bao bì, pha bằng nước sôi để nguội để đảm bảo không gây hại cho bệnh nhân.

Việc bù nước bằng đường uống cũng là cách an toàn, cần thiết hơn hết cho bệnh nhân sốt xuất huyết thể nhẹ. Do cơ thể người bệnh rất nhẹ cảm, dễ bị sốc phản vệ. 

Ngoài Oresol, người bệnh có thể uống các loại nước an toàn khác như nước sôi để nguội, nước trái cây (dừa, cam, chanh,...), nước cháo loãng nêm muối. 

Không nên: Dùng Aspirin trong sốt xuất huyết

Mặc dù thuốc hạ sốt, giảm đau là cần thiết trong điều trị triệu chứng sốt xuất huyết, nhưng khi mắc bệnh này, người bệnh tuyệt đối không nên uống aspirin. Do thuốc này gây ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu, trong khi bệnh nhân sốt xuất huyết lại ưa chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu. Dùng Aspirin càng làm tăng nguy cơ chảy máu và khó cầm máu, sẽ làm phát sinh các rối loạn nghiêm trọng như chảy máu dạ dày, nội tạng. 

Đặc biệt, nếu trẻ em mắc sốt xuất huyết dùng thuốc Aspirin sẽ dẫn đến hội chứng Reye, gây ra hiện tượng phù não, thoái hóa tế bào thần kinh não, suy gan... có thể tử vong trong vài ngày hoặc tàn phế suốt đời. 

Ngoài aspirinm một số thuốc kháng viêm cũng có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu dù không mạnh bằng aspirin, nhưng cũng ảnh hưởng không tốt đến người bệnh sốt xuất huyết. Người bệnh cần lưu ý hỏi dược sĩ, bác sĩ để tránh dùng các thuốc này. 

Nên: Paracetamol đơn chất

Paracetamol là thuốc hạ sốt, giảm đau thích hợp cho điều trị sốt xuất huyết. Người bệnh cần tuân thủ đúng đơn thuốc, liều dùng, kết hợp với nới lỏng quần áo và lau mát cơ thể bằng nước ấm.

Lưu ý, thuốc tương đối không độc nhưng nếu người bệnh dùng quá liều paracetamol sẽ gây hại gan (ngộ độc, tổn thương, suy giảm chức năng gan). Việc quá liều paracetamol gây hại gan sẽ càng làm trầm trọng tình trạng rối loạn đông máu, khiến xuất huyết nhiều hơn. Người bệnh cũng tuyệt đối tránh uống rượu khi đang dùng thuốc vì rượu cũng sẽ tăng khả năng gây hại gan của thuốc. 

Bệnh nhân sốt xuất huyết nên và không nên uống thuốc nào
Người bệnh không nên dùng kháng sinh trừ khi được bác sĩ chỉ định do phát sinh nhiễm trùng

Không nên: Kháng sinh

Do sốt xuất huyết gây nên bởi virus, thuốc kháng sinh không diệt được virus nên người bệnh không nên dùng thuốc này. 

Chỉ dùng kháng sinh khi bệnh nhân phát sinh nhiễm trùng và được bác sĩ chỉ định dùng thuốc. Những kháng sinh gây giảm tiểu cầu, hại gan, thận cũng cần tránh để không ảnh hưởng tới nguy cơ xuất huyết, khả năng điện giải, tình trạng huyết áp của bệnh nhân. 


Vệ sinh mũi tại nhà đúng chuẩn

Nhật Anh (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN