Thứ ba, 19/03/2024 | 15:52
RSS

Bệnh mạn tính và chế độ ăn phòng bệnh trong ngày Tết

Thứ hai, 19/02/2018, 13:38 (GMT+7)

Ngày tết, các món ăn nhiều chất đường, chất đạm, chất béo, bia rượu là nỗi lo của rất nhiều người, nhất là đối với những bệnh nhân bị bệnh mạn tính về gan, tim mạch, gút...

bệnh mạn tính nên ăn gì vào ngày Tết
Những bệnh nhân bệnh mạn tính nên ăn gì và ngày Tết để đảm bảo sức khỏe

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Nơi - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: để ngày Tết trôi qua với sức khỏe được đảm bảo, không lo lắng về việc những cơn đau do bệnh tật gây ra , bạn chỉ cần chuẩn bị một ít kiến thức cơ bản sau:

Người bị bệnh gan

Cần tuân theo chế độ ăn uống thanh đạm, ít chất béo để không làm tăng gánh nặng cho gan, nhưng vẫn cân bằng các chất dinh dưỡng hợp lý.

Trong dịp Tết, nếu mải vui mà ăn uống quá độ, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất mỡ hoặc đường, uống rượu, hút thuốc lá... sẽ khiến gan phải làm việc nhiều hơn, từ đó các bệnh về gan bộc phát mạnh hơn.

Đối với những người đã và đang bị phù hoặc cổ trướng vẫn phải tiếp tục ăn nhạt. Bánh kẹo ngọt cũng là loại thực phẩm mà những người bị tăng đường huyết hoặc gan nhiễm mỡ cần hạn chế.

Ngay cả những người bị viêm gan virus tiềm ẩn cũng cần hạn chế ăn nhiều chất béo và uống rượu bia. Những người bị viêm gan mạn tính đang ổn định, các chứng tiêu chảy và ngộ độc thức ăn có thể gây ra một đợt tiến triển, có khi rất nặng. Những rối loạn về tiêu hóa cũng có thể làm cho bệnh xơ gan trở nên nặng hơn, do đó cần phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người bệnh tiểu đường

Chế độ ăn kiêng giữ một vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh, vì bệnh tiểu đường chỉ có cách khống chế duy nhất là chế độ ăn kết hợp với các thuốc hạ đường huyết.

Người bị bệnh tiểu đường ngoài việc ăn kiêng còn cần ăn uống đúng giờ, ăn thành nhiều bữa nhỏ để tránh việc đường huyết tăng cao sau khi ăn, hay đường huyết tụt quá thấp do khoảng cách giữa các bữa ăn kéo dài.

Cần tránh xa các thực phẩm giàu chất đường hấp thu nhanh như mía, tất cả các loại sữa chế biến, cà phê, kẹo, đá chanh, trái cây đóng hộp, nước quả ép, kẹo, mứt, chè; các thực phẩm giàu chất béo như giò thủ, thịt đông, thịt kho tàu... để tránh rối loạn chuyển hóa lipid. 

Nên hạn chế rượu vì rượu có thể thúc đẩy hạ đường huyết trên bệnh nhân đang điều trị với thuốc hạ đường huyết. 

Các thực phẩm sau cũng cần hạn chế: cơm, mì xào, hủ tiếu, bánh canh, bánh mì, các loại khoai (khoai lang, khoai mì...), bánh qui, trái cây ngọt.

Thay vào đó, người bệnh tiểu đường có thể ăn những món ăn vừa ngon vừa an toàn đối với mình, như giò nạc, giò bò, cá chép om riềng, cá lóc kho tộ... Về đồ ngọt, cần tìm các sản phẩm có vị ngọt nhưng không làm đường huyết tăng cao như bánh mặn, đồ kho nấu bằng đường dành cho người ăn kiêng, các loại nước ngọt dành cho người ăn kiêng. 

Ăn nhiều trái cây, rau, đậu, ngũ cốc có thể cung cấp cho cơ thể một lượng đường hấp thu chậm, điều đó sẽ giúp cho lượng đường trong máu không quá cao hoặc quá thấp, đồng thời cung cấp chất xơ có ích nhằm kiểm soát lượng đường trong máu.

Người bệnh tăng huyết áp

Khuyến cáo chung cho bệnh nhân tăng huyếp áp chính là ăn giảm muối, ăn giảm béo, bớt rượu, tăng cường vận động thân thể,...

Những món ăn ngày Tết rất giàu chất béo "xấu" gây xơ vữa động mạch, gây tăng huyết áp. Đó là thức ăn từ động vật như: thịt đông, giò thủ, các món xào...; thức ăn chứa nhiều acid béo bão hòa như: mỡ bò, mỡ cừu, dầu dừa và dầu cọ, sữa nguyên kem, bơ, lòng trắng trứng. Tuy nhiên, người bị tăng huyết áp cũng nên hạn chế ăn các loại trái cây quá ngọt như na, mít, vải.

Nên ăn những thức ăn chứa ít acid bão hòa như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô, dầu ô liu, lòng đỏ trứng, sữa gầy, sữa chua, thịt gà, cá, ... 

Nên ăn nhiều rau và quả tươi vì đây là những thức ăn rất cần thiết cho người bị tăng huyết áp cũng như bị các bệnh tim mạch khác, chúng chứa nhiều kali và hầu như không có natri, rất có lợi cho người tăng huyết áp. Rau quả tươi chứa nhiều vitamin thiên nhiên, nhiều chất xơ, cần thiết cho hoạt động tiêu hóa, và còn góp phần tống cholesterol ra ngoài cơ thể.

Người bệnh gút

Cần hạn chế các loại thức ăn, đồ uống có chứa nhiều purin như hải sản, nội tạng động vật, cua, ốc, các trích, đậu hà lan,… vì có nguy cơ làm tăng các đợt tái phát của bệnh gút. 

Trong dịp tết, việc sử dụng bia, rượu, thức uống có cồn, nước ngọt là điều khó tránh khỏi, điều này cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh gút đồng thời đối với những ai bị bệnh gút thì phải đối mặt với các cơn đau nhức, mệt mỏi.

Bên cạnh các món ăn truyền thống trong dịp Tết như: nem, chả, các loại thịt, bánh nếp, bánh ngọt, mứt; bạn nên chuẩn bị các loại rau xanh, trái cây, nhất là đối với những ai bị bệnh gút thì nên để sẵn quả sơ-ri trong tủ lạnh của mình. 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sơ-ri không chỉ là loại trái cây rất giàu vitamin C, A và một lượng lớn chất xơ giúp kích thích quá trình trao đổi chất và hoạt động của nội tạng, giúp giảm cân cực hiệu quả mà sơ-ri còn có thể phòng bệnh gút. 

Do đó, để phòng bệnh gút cũng như làm hạn chế các đợt phát tác của cơn gút bạn nên ăn sơ-ri mỗi ngày, để phòng tránh bệnh gút cũng như các bệnh về xương khớp.

Trong dịp tết nếu những cơn gút tái phát bạn hãy ăn ngay 20 - 30 quả sơ-ri, sau đó chỉ cần ăn mỗi lần từ 6 đến 8 quả, mỗi ngày 1 - 2 lần.

Lê Thạch
Theo VTV