Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:38
RSS

Ai đang sở hữu VIB?

Thứ ba, 16/01/2018, 08:52 (GMT+7)

Dù nhóm lãnh đạo VIB thoái mạnh vốn thời gian qua, nhưng tỷ lệ nắm giữ lại càng cô đặc khi 48 cổ đông lớn nhất đang nắm giữ phần lớn nguồn vốn của VIB.

Ai đang sở hữu VIB?

Ai đang sở hữu VIB?

Tỷ lệ nắm giữ ngày càng cô đặc

Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (UpCOM: VIB) cuối năm 2017 đã tổ chức lấy phiếu xin ý kiến cổ đông về phê duyệt phương án tạm trích lợi nhuận sau thuế luỹ kế tại thời điểm 30/11/2017 để bổ sung quỹ đầu tư phát triển nhằm tăng vốn cấp I năm 2017.

Đây là nghiệp vụ bình thường của một ngân hàng, tuy nhiên có 1 chi tiết đáng chú ý.

Tổng số phiếu hợp lệ thu về là 48 phiếu, đại diện cho 481,42 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 90,74% vốn ngân hàng này. Có thể hiểu rằng 48 cổ đông lớn nhất đang nắm giữ phần lớn nguồn vốn của VIB.

Đây là tỷ lệ sở hữu khá tập trung so sánh với các ngân hàng khác, và còn cô đặc hơn so với thời điểm cách đây 8 năm khi Luật Các tổ chức tín dụng ra đời siết chặt giới hạn sở hữu của cổ đông ngân hàng.

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2010, 68 cổ đông đại diện cho 85,31% vốn của VIB và phải tới 90 cổ đông mới đại diện được cho 90,44% vốn của VIB. 

Sau khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cùng loạt văn bản hướng dẫn sau đó có hiệu lực, trong đó nhấn mạnh giới hạn sở hữu cổ phần ngân hàng của 1 cá nhân là 5%, tổ chức là 15% và nhóm nhà đầu tư liên quan là 20%, nhiều ông chủ ngân hàng đã nhanh chóng giảm tỷ lệ sở hữu để tuân thủ quy định.

VIB là trường hợp khá chậm trễ trong việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu. 3 nhóm cổ đông lớn là Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ, thành viên HĐQT Đặng Văn Sơn và thành viên HĐQT Đỗ Xuân Hoàng có thời điểm (cuối năm  2015) nắm tới 44,13% vốn của VIB. Như đã phân tích ở kỳ trước, cả 3 cá nhân trên đều có liên quan đặc biệt tới Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại hệ thống quốc tế (Nettra) - nhà đầu tư từng nắm gần 15% vốn của VIB. 

Nhà đầu tư kỳ vọng minh bạch thông tin

Kể từ năm 2016, VIB không còn công bố báo cáo quản trị, do đó không có thông tin về tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn VIB.

Ở văn bản mới nhất được công bố vào cuối năm 2016 là Cáo bạch đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM, tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ vào thời điểm đó là 4,99%, tuy nhiên không còn người liên quan nào của ông Vỹ sở hữu cổ phần VIB.

Tương tự, cổ đông lớn Nettra cũng biến mất, ông Đặng Văn Sơn và vợ là bà Đặng Thị Thu Hà chỉ sở hữu 3,8% vốn của VIB. Trong khi ông Đỗ Xuân Hoàng cùng bố là ông Đỗ Xuân Thụ giữ 9% vốn VIB. 

Như vậy chỉ sau chưa đến 1 năm, tỷ lệ sở hữu của nhóm lãnh đạo Đặng Khắc Vỹ, Đặng Văn Sơn và Đỗ Xuân Hoàng chỉ còn 17,8%, giảm mạnh so với 44,13% cuối năm 2015. 

Dù vậy, không nhiều nhà đầu tư tin rằng nhóm cổ đông trở về từ Đông Âu lại chịu từ bỏ quyền lực tại VIB.

Đầu tháng 11/2017, ông Đặng Quang Tuấn, con trai Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đã mua 27,66 triệu cổ phiếu VIB để sở hữu 4,9% cổ phần nhà băng này.

Trước đó, bố vợ ông Vỹ cũng đã sang tay 4,95% cổ phần cho vợ ông Vỹ là bà Trần Thị Thảo Hiền.

Nếu nội dung của bản Cáo bạch VIB vào cuối năm 2016 là chính xác, thì 4,95% cổ phần bố vợ ông Vỹ sở hữu được mua vào thời điểm sau đó, tuy nhiên không có công bố thay đổi này dù đây là quy định bắt buộc. Tương tự là việc các cổ đông lớn và người liên quan đến 3 ông Vỹ - Sơn - Hoàng giảm tỷ lệ sở hữu từ 44,13% về 17,8%.

Theo quy định về công bố báo cáo tình hình quản trị định kỳ 6 tháng đối với công ty đại chúng quy mô lớn tại Khoản 6 Điều 11 Thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán thì nhà băng này chưa công bố báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2016; năm 2016; 6 tháng đầu năm 2017 và năm 2017.

Ngoài ra, cũng không công bố thay đổi cổ đông lớn đối với Công ty Nettra và thay đổi tỷ lệ sở hữu của người có liên quan theo Khoản 1 Điều 28 cũng tại Thông tư 155/2015.

Công khai, minh bạch thông tin không chỉ mang lại niềm tin cho cổ đông, mà còn là 1 trong 3 nhóm điều kiện tiên quyết để áp dụng thành công chuẩn Basel II. VIB hiện nằm trong số 10 ngân hàng đang thí điểm áp dụng tiêu chuẩn này. Bởi vậy, cổ đông và nhà đầu tư kỳ vọng ban lãnh đạo VIB sẽ cởi mở hơn nữa trong việc công khai thông tin

Xuân Tiên
Theo Nhà Đầu Tư