Thứ năm, 25/04/2024 | 11:01
RSS

5 bước giới thiệu bản thân ấn tượng trong 30 giây đầu tiên

Thứ ba, 26/03/2024, 09:00 (GMT+7)

Cách giới thiệu bản thân trong khi phỏng vấn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cái nhìn của nhà tuyển dụng đối với bạn. Chính vì thế, nếu mong muốn tạo ấn tượng trong những giây đầu tiên thì bạn phải đưa ra đầy đủ những thông tin mà họ cảm thấy hứng thú và muốn nghe.

5 bước giới thiệu bản thân ấn tượng trong 30 giây đầu tiên

Gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng đã tạo cơ hội

Các chuyên gia tuyển dụng việc làm Biên Hòa, Bình Dương, TPHCM và bất kỳ nơi nào khác đều khuyên rằng trước khi bắt đầu giới thiệu về bản thân, bạn nên có lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng vì đã tạo cơ hội cho bạn được tham gia buổi phỏng vấn này. Câu nói ngắn gọn, súc tích nhưng có ý nghĩa này chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng có hảo cảm hơn với bạn.

5 bước giới thiệu bản thân ấn tượng trong 30 giây đầu tiên

Cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai

Sau lời cảm ơn, giờ là lúc bạn cần cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai để tiện xưng hô trong quá trình trao đổi. Đây là bước cơ bản mà trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào bạn cũng phải thực hiện. Tiếp theo, bạn cần cho họ biết về sơ lược trình độ học vấn bản thân để họ có cái nhìn tổng quát về khả năng chuyên môn của mình.

Ví dụ: Em là Nguyễn Ngọc Anh, đang sống ở Hà Nội Em đã tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực của trường đại học Kinh Tế Quốc Dân.

5 bước giới thiệu bản thân ấn tượng trong 30 giây đầu tiên

Giới thiệu về kinh nghiệm làm việc

Nhà tuyển dụng rất quan tâm đến kinh nghiệm làm việc bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để họ đánh giá xem bạn có thực sự phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Vì vậy hãy chọn lọc những kinh nghiệm có liên quan và hỗ trợ được cho vị trí công việc ứng tuyển. Bạn nên chủ động tiết chế việc trình bày nhiều thông tin cùng lúc vì điều đó sẽ làm loãng thông tin truyền đạt và giảm sự nắm bắt thông tin của nhà tuyển dụng.

Ví dụ: “Em đã có 3 năm kinh nghiệm ở vị trí Quản lý Nhân sự với khả năng xử lý tất cả các vấn đề từ tuyển dụng cho đến đào tạo cho công ty B”.

Đề cập sơ lược về mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn

Hãy cho nhà tuyển dụng biết về mục tiêu phát triển sự nghiệp ngắn – dài hạn của bạn. Điều này góp phần giúp họ xem xét bạn có thể hòa nhập với môi trường và thích hợp để làm việc cho mục tiêu phát triển của doanh nghiệp hay không. Bạn có thể trả lời một cách ngắn gọn như sau:

“Mục tiêu ngắn hạn của em là tìm một vị trí mà em có thể sử dụng kiến thức và thế mạnh mà em có [thêm điểm mạnh] và từ đó trở thành một nhân viên sáng giá của công ty bằng sự nỗ lực đặc biệt và sẵn sàng làm việc chăm chỉ. Về mục tiêu dài hạn, em muốn cùng tham gia vào quá trình phát triển và gặt hái thành công cho công ty”.

Trả lời cho câu hỏi “Tại sao bạn có mặt ở đây?”

Đây được xem là bước cuối cùng cho màn giới thiệu bản thân trong 30 giây đầu tiên bạn. Bằng việc cho nhà tuyển dụng thấy được khát khao của bạn đối với vị trí này và giải thích lý do tại sao bạn muốn hiện thực hóa nó sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về động lực của bạn.

Ví dụ: “Mặc dù em hài lòng với vị trí trước đó, nhưng em nghĩ mình có thể làm được nhiều hơn như thế, và công việc này khiến em hứng thú bởi nó sẽ mang lại nhiều thử thách cho em”.

Đặc biệt bạn cũng cần phải lưu ý, đừng bao giờ đưa ra những lý do mang tính tiêu cực như “Bởi vì em gặp vấn đề ở chỗ làm cũ với đồng nghiệp/ Bởi vì lý do tài chính của công ty cũ,... nên em quyết định tìm cơ hội việc làm mới cho mình”. Đây là điều tối kỵ mà nhà tuyển dụng nào cũng không muốn nghe.

Sau cùng, bạn cũng đừng quên gửi lời cảm ơn trước khi kết thúc phần giới thiệu để thể hiện sự chuyên nghiệp. Hoặc bạn cũng có thể chủ động đưa ra đề nghị lịch sự với nhà tuyển dụng để họ bắt đầu trò chuyện với bạn một cách thoải mái hơn.

Chẳng hạn: “Đây là phần giới thiệu sơ về bản thân em, không biết anh/chị có câu hỏi nào dành cho em không ạ?”. Điều này sẽ khiến buổi phỏng vấn tự nhiên hơn và nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá cao sự linh hoạt, có thể nắm bắt tình huống tốt của bạn.

Nhìn chung, phần giới thiệu bản thân trong vòng 30 giây không nên chứa quá nhiều thông tin bởi đây chỉ là bước đệm giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quát về năng lực và tính cách của bạn. Việc cố gắng nhồi nhét mọi thông tin để gây ấn tượng vô tình có thể khiến bạn rơi vào tình huống bất lợi, khiến nhà tuyển dụng cảm thấy chán. Do vậy, bạn chỉ nên tập trung vào 5 bước giúp giới thiệu bản thân như đã chia sẻ trên đây và cố gắng bình tĩnh, nói chuyện mạch lạc, súc tích để buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ nhé.

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại