Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:17
RSS

Sự tích và ý nghĩa Tết Trung thu trong văn hóa dân gian

Thứ sáu, 06/09/2019, 06:30 (GMT+7)

Tết Trung thu là ngày lễ phổ biến nhưng không phải ai cũng nắm được sự tích và ý nghĩa Tết Trung thu.

Nguồn gốc Tết Trung thu

Về nguồn gốc Tết Trung thu, chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch.

Trong đêm Trung thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện.

Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát.

Nguồn gốc Tết Trung thu được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc. Ảnh: Internet

Nguồn gốc Tết Trung thu được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc Ảnh: Internet

Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.

Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình.

Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám (tức Trung thu) đã trở thành phong tục của dân gian.

Ý nghĩa Tết Trung thu

Tết Trung thu có nhiều ý nghĩa với các gia đình. Ảnh: Internet

Tết Trung thu có nhiều ý nghĩa với các gia đình. Ảnh: Internet

Ý nghĩa Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung thu của người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.

Cỗ mừng Trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.

Cũng trong dịp này, người ta mua bánh Trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN