Thứ hai, 20/05/2024 | 18:52
RSS

Nhiều trẻ nguy kịch, tử vong do bị dao lam rạch lên người để chữa bệnh

Thứ năm, 03/08/2023, 06:47 (GMT+7)

Sau khi được gia đình đưa đi chữa bệnh bằng cách dùng dao lam rạch lên người, nhiều trẻ đã phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong.

Thời gian vừa qua, nhiều trẻ nhỏ đã phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong sau khi được gia đình đưa đi chữa bệnh bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ lên người.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi (11 tuổi) trú tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao liên tục, người mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân.

Theo lời kể của người thân, ở nhà trẻ sốt cao, liên tục nên đã cho uống thuốc lá cây nhưng không đỡ. Sau đó, người nhà cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người để chữa bệnh.

Thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi đến phòng khám tư và sau đó được chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị. Qua thăm khám làm các xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhi được chẩn đoán: Theo dõi Suy tuỷ xương/Lupus ban đỏ hệ thống/hội chứng thận hư.

Nhiều trẻ nguy kịch, tử vong do dùng dao lam rạch lên người để chữa bệnh

Trên cánh tay bệnh nhi có chi chít các vết rạch bằng dao lam. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng

Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi nam 10 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, ngộ độc thuốc do người nhà tự ý cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc và cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách rạch dao lam trên người để đào thải máu độc ra khỏi cơ thể. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng trẻ đã tử vong.

Theo TS.BS Hoàng Kim Lâm – Khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trước khi vào viện 8 ngày, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, chân tay lạnh, khó thở, mệt, gia đình ra chợ mua một cây thuốc khô (không rõ nguồn gốc) về cắt nhỏ sắc cho trẻ uống.

Bên cạnh đó, gia đình cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người để chữa bệnh. Thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi bệnh viện tuyến huyện, sau đó đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị.

Tại đây, trẻ có các biểu hiện sốt, mệt, da vàng sạm, củng mạc mắt vàng, phù 2 mí mắt, bụng chướng, suy gan – thận, suy hô hấp, vô niệu. Trẻ tiếp tục được chuyển  đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa cơ quan và được điều trị tích cực như hỗ trợ hô hấp, chống sốc, kháng sinh phổ rộng, lọc máu liên tục, chăm sóc tích cực. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ không đáp ứng điều trị và tử vong sau 1 ngày nằm viện.

PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, biện pháp chữa bệnh cho trẻ bằng cách dùng dao lam nặn (hoặc rạch) lấy máu…là phương pháp hoàn toàn không có tính khoa học, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ tuyệt đối không nên làm những điều này.

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, khi thực hiện phương pháp như vậy vừa không hiệu quả, vừa làm nguy hiểm tính mạng của trẻ do mất máu, hàng rào vi khuẩn tự nhiên của cơ thể bị phá hỏng khiến vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây nhiễm trùng máu. Đồng thời, việc làm này làm trì hoãn việc đưa trẻ đến bệnh viện và mất đi thời gian vàng để cứu sống trẻ.

Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc các phương pháp chưa bệnh nào cho trẻ, cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cha mẹ không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, phương pháp điều trị bệnh phản khoa học khiến trẻ gặp nhiều biến chứng khôn lường, thậm chí tử vong.

Trường hợp phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, việc quan trọng nhất cha mẹ nên làm là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại