Thứ bảy, 04/05/2024 | 13:52
RSS

Ngón tay bị sưng phù, mẩn đỏ và ngứa là bệnh gì? Xử lý thế nào?

Thứ bảy, 21/10/2023, 07:24 (GMT+7)

Ngón tay bị sưng phù, mẩn đỏ và ngứa ngáy có thể gặp phải ở bất kỳ ai, tình trạng này gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và công việc của người bệnh. Hiểu rõ về nguyên nhân và cách xử lý khi ngón tay bị sưng phù và ngứa sẽ giúp chúng ta đối phó hiệu quả với tình trạng này.

I - Những nguyên nhân khiến ngón tay bị sưng phù, đỏ và ngứa

Tình trạng này có thể liên quan đến các nguyên nhân như sau:

1. Dị ứng, nổi mề đay

Dị ứng và nổi mề đay là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến ngón tay tự nhiên bị sưng và ngứa. Nguyên nhân gây ra dị ứng, nổi mề đay có thể là do người bệnh để tay tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng hoặc nổi mề đay. Các tác nhân gây dị ứng, nổi mề đay có thể bao gồm: bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật, hoặc chất độc do côn trùng đốt.

Nổi mề đay ở ngón tay gây sưng phù, ngứa ngáy

2. Do nhiệt độ thay đổi

Nhiệt độ tăng cao bất thường có thể là nguyên nhân khiến cho mạch máu ở ngón tay giãn nở để tăng thoát nhiệt, điều hòa nhiệt độ cơ thể. Từ đó khiến cho ngón tay có thể bị sưng đỏ lên, sờ vào bàn tay thấy nóng hơn bình thường.

3. Chấn thương ở ngón tay

Nguyên nhân phổ biến khiến ngón tay bị sưng phù, đỏ và ngứa đó chính là chấn thương ở ngón tay (có thể là gãy ngón tay, trật khớp ngón tay). Chấn thương ở ngón tay sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn tấn công và gây nên tình trạng viêm. Viêm vùng đầu ngón tay sẽ có biểu hiện là ngón tay bị sưng phù, đỏ và có thể bị ngứa.

Gãy tay, bong gân ở ngón tay có thể gây sưng và ngứa

4. Tập thể dục quá sức

Tập luyện thể dục thể thao quá mức có thể làm tăng thân nhiệt cao bất thường. Khi đó, các mạch máu ở bàn tay, đầu ngón tay sẽ giãn nở để làm giảm nhiệt độ cơ thể. Lúc này, trông ngón tay có vẻ như bị sưng đỏ và thỉnh thoảng ngứa châm chích.

II - Ngón tay bị ngứa và sưng cảnh báo bệnh gì?

Nhiều bệnh lý có thể gây ra tình trạng ngón tay bị sưng đỏ và ngứa. Cụ thể như sau:

1. Bệnh lý nhiễm trùng

Nhiễm trùng có thể gây nên tình trạng ngứa, sưng nóng đỏ và làm xuất hiện cơn đau nhức ở ngón tay. Nhiễm trùng ở ngón tay có thể chia thành các dạng như sau:

  • Nhiễm trùng Herpetic Whitlow: người bệnh thường bị sưng phù ở đầu ngón tay, trên ngón tay có thể xuất hiện các mụn nhỏ li ti.
  • Nhiễm trùng Paronychia: nhóm vi khuẩn này có thể tấn công tại vùng móng tay và gây ra tình trạng viêm, viêm có thể lan rộng tới ngón tay hoặc các khớp ngón tay.
  • Nhiễm trùng Felon: đây là tình trạng nhiễm trùng gây tổn thương nghiêm trọng, ngón tay có thể mưng mủ, sưng đỏ và đau dữ dội.

Ngón tay sưng đỏ và ngứa cảnh báo bệnh nhiễm trùng da

2. Bệnh Gout

Người bệnh Gout thường có biểu hiện sưng đau ở các khớp ngón tay, hoặc ở ngón chân. Điều này là do sự lắng đọng tinh thể urat do dư thừa acid uric trong máu. Không chỉ có vậy ở ngón tay còn có thể bị sưng đỏ, đau một cách dữ dội khiến người bệnh không thể vận động bình thường được.

3. Viêm khớp tay

Ngón tay bị sưng đỏ và ngứa cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về viêm khớp thường gặp, chẳng hạn như:

  • Viêm khớp dạng thấp: Là bệnh tự miễn do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào mô khớp tay và các khớp khác trong cơ thể. Bệnh lý này có thể làm biến dạng khớp ở tay chân và gây ra tình trạng ngón tay bị sưng đỏ và ngứa.
  • Viêm khớp vảy nến: Một trong những biểu hiện thường thấy ở những bệnh nhân viêm khớp vảy nến đó là sưng đỏ ở ngón tay. Do bệnh này có thể làm sưng đau, cứng khớp, cơn đau có thể lan rộng tới vùng khớp ngón tay.

Sưng phù, ngứa ở ngón tay là biểu hiện của bệnh viêm khớp ngón tay

4. Bệnh thần kinh ngoại biên

Tổn thương thần kinh ngoại biên (bao gồm dây thần kinh sọ não, dây thần kinh tủy sống từ nguyên ủy) có thể làm cho ngón tay bị sưng tê, giảm khả năng cử động, hoặc sẽ có những lúc người bệnh cảm thấy ngứa ngứa ở ngón tay.

5. Hội chứng ống cổ tay

Người mắc hội chứng ống cổ tay thường có triệu ngón tay bị đau nhức, sưng đỏ hoặc thậm chí trong nhiều trường hợp còn bị tê cứng. Tình trạng này thường gặp ở những người thực hiện lặp đi lặp lại cùng 1 động tác, làm tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh.

Bạn có thể mắc hội chứng ống cổ tay nếu thường xuyên bị sưng phù, đỏ và ngứa ngón tay

6. Bệnh cước

Biểu hiện điển hình của những người bệnh cước đó là sưng phù và ngứa râm ran các đầu ngón tay, cảm giác đau nhức cả ngón tay và thậm chí là bàn tay.

Nguyên nhân gây ra bệnh cước đó là do thời tiết lạnh, biến chứng bệnh tiểu đường, bệnh tăng mỡ máu, lupus ban đỏ hoặc tiền sử gia đình.

III - Bị sưng phù, ngứa và mẩn đỏ ngón tay phải xử lý thế nào?

Sưng phù và ngứa ngón tay cần được xử lý ngay từ sớm, nếu để kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến cử động vùng bàn tay. Dưới đây là một số cách xử lý ngón tay bị sưng phù và ngứa như sau:

  • Cần thăm khám để tìm ra được nguyên nhân chính xác gây sưng phù, ngứa ở ngón tay để có thể chọn lựa cách thức điều trị phù hợp và đem lại hiệu quả cao.
  • Có thể giảm nhanh cơn đau hoặc ngứa ở ngón tay bằng cách ngâm cả bàn tay vào chậu nước muối ấm. Điều này sẽ giúp làm sạch vùng ngón tay đang bị tổn thương.
  • Nếu ngón tay bị sưng đỏ là do bệnh gout, nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống, giảm bớt muối và tránh tiêu thụ các loại hải sản.
  • Hạn chế ăn những loại thực phẩm không lành mạnh như: đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ… để tránh làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
  • Có thể xoa bóp, massage thường xuyên ngón tay bị đau hoặc vùng bàn tay bị tổn thương.
  • Bôi thuốc giảm ngứa, sưng phù hợp, chẳng hạn kem hydrocortisone 1%.

Cách chữa sưng phù, ngứa và mẩn đỏ ngón tay

Thật sự khó chịu và khổ sở khi ngón tay bị sưng đỏ, ngứa ngáy. Điều này cản trở bạn hoạt động vùng tay, ảnh hưởng đến công việc và học tập. Ngay từ bây giờ, hãy bỏ túi cho mình những kiến thức hữu ích để dễ dàng vượt qua tình trạng này nhé.

DS. Khánh Linh
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại