Thứ bảy, 27/04/2024 | 03:20
RSS

Gia cầm thải loại 500 đồng đã được biến thành "chim đặc sản" thơm nức mũi như thế này...

Thứ tư, 30/11/2016, 07:01 (GMT+7)

Sau khi được làm lông, cắt mỏ, bỏ chân, nhưng con ngan vịt thải loại bỗng trở thành chim đặc sản để sẵn sàng hành trình phục vụ các thực khách chuộng món ăn đồng quê.

"Đặc sản" giá 500 đồng/con

Xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vốn nổi tiếng với nhiều cơ sở ấp trứng gia cầm. Đây là nơi cung cấp con giống với số lượng lớn cho nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ.

Trứng sau khi thu mua sẽ được cho vào lò ấp nở. Sau đó, những con gia cầm đủ tiêu chuẩn sẽ được đưa đến các cơ sở chăn nuôi.

Những con không đủ tiêu chuẩn sẽ được gom lại để bán rẻ cho cánh lái buôn phục vụ với nhiều mục đích sử dụng khác nhau, trong đó phần lớn là được hô biến để trở thành chim cút, chim sẻ đặc sản.

Cô Nga đang phân loại gia cầm

Cô Nga đang phân loại gia cầm

Theo lời chị Nga – chủ một lò ấp trứng tại xã Đại Xuyên, mỗi ngày cơ sở của chị ấp và xuất xưởng hơn 2.000 con gia cầm.

Chị Nga cho hay, tuy khách đến mua đông nhưng tiêu chuẩn nhập hàng vô cùng khắt khe. Bởi thế, có rất nhiều gia cầm giống bị thải loại do không đáp ứng được các yêu cầu mà người mua đặt ra.

Số gia cầm giống thải loại này được đưa đi đâu, làm gì? Câu trả lời đã được một phụ nữ bán hàng nước ngay cạnh ga Phú Xuyên bật mí.

Theo đó, những quả trứng hỏng và gia cầm bị thải loại đều được lái buôn đến thu mua hết với giá siêu rẻ và đương nhiên, đích đến của chúng vẫn là những quán ăn, nhà hàng.

“Chim sẻ rán đấy, người ta thu mua về, đem làm sạch lông, cắt nhọn mỏ, loại bỏ chân, tẩm ướp rồi rán vàng lên, ai mà phát hiện được. Cái quan trọng hơn là người ta bán rẻ lắm, vài nghìn một con nên ai chả ham”, người phụ nữ này nói về chuyện phù phép biến vịt thải loại thành chim đặc sản.

Để kiểm chứng thông tin người phụ nữ này cung cấp, PV đã vào vai một người cần mua vịt thải loại về làm hàng và nhanh chóng nhận được lời chào mời của các người chủ cơ sở ở đây.

Đầu tiên là cơ sở ấp trứng N.T. ở xóm 3, xã Đại Xuyên (Phú Xuyên, Hà Nội) ra giá mỗi con vịt, ngan thải loại 800 đồng. Những con đã chết thì rẻ hơn, giá chỉ 500 đồng/con. Theo chủ cơ sở này, khách chỉ cần liên hệ trước nửa ngày là có hàng, muốn bao nhiêu cũng có.

Trong khi đó, cơ sở T.Q. nằm ngay cạnh ngân hàng Agribank Phú Xuyên có giá “êm” hơn khi mỗi con vịt thải loại được chào bán ở mức 700 đồng.

Chủ cơ sở này còn tiết lộ, do số lượng gia cầm bị thải loại nhiều, nên từ lâu ở xã Đại Xuyên đã hình thành thêm nghề thu gom gia cầm thải loại về bán lại để ăn chênh lệch: “Nghề này cứ tưởng vớ vẩn nhưng lại sống khoẻ” – người này nói.

Được sự chỉ dẫn của chủ cơ sở này, PV đã tìm đến nhà bà Nháng, một người làm nghề thu mua gia cầm thải loại về bán lại đã ngót 5 năm nay. Nhìn ngôi nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi cũng đủ biết việc làm ăn của bà thịnh vượng đến thế nào.

Bà Nháng cho hay, mỗi con gia cầm như vậy bà thu mua với giá 500 đồng, sau đó bán lại với giá 700 - 900 đồng tuỳ thuộc khách lấy hàng số lượng nhiều hay ít.

Rùng mình cảnh sơ chế "chim đặc sản"

Theo sự chỉ dẫn của bà Nháng, PV đã liên lạc được với một cơ sở chuyên sơ chế vịt, ngan thải loại để bán cho các đầu mối lấy hàng đi nhiều tỉnh thành, đặc biệt là những thành phố lớn.

Chủ cơ sở tên M., có số điện thoại 01682693… Qua điện thoại, M. cho biết cơ sở của mình bán giá 1.000 đồng/1 con vịt đã qua sơ chế.

Phải vượt qua nhiều thử thách, PV mới có thể tiếp cận được cơ sở này. Qua cách nói chuyện, có thể thấy rõ M. rất cảnh giác vì sợ bị cơ quan chức năng "gài bẫy".

M. dẫn PV vào một khoảng sân xi măng và bảo ngồi chờ một lát để chị ta cho người sơ chế vịt. Tại đây, PV đã được tận mắt chứng kiến quá trình sơ chế kinh hoàng để biến vịt, ngan con thành đặc sản chim sẻ, chim cút.

Trên khoảng sân rộng chừng 20m2 nhớp nhúa lông gia cầm chết, một bên là gia cầm thải loại được quây tròn trong một tấm lợp, một bên là xác gia cầm đã qua sơ chế nằm ngổn ngang.

Nhiều con gia cầm còn sống vẫn bị làm lông

Nhiều con gia cầm còn sống vẫn bị “làm lông”

Bên cạnh xoong nước đang sôi sùng sục, một thanh niên nhanh tay gom gia cầm vẫn còn sống cho vào túi lưới. Khi đã đủ số lượng, người này nhúng những bọc gia cầm sống vào xoong nước sôi. Sau đó, thanh niên này đổ đám vịt con đã nhúng nước sôi vào một chiếc máy chuyên dùng để vặt lông.

Gia cầm được làm lông đợi hô biến thành chim sẻ

Gia cầm được làm lông đợi hô biến thành chim sẻ chất thành đống

Khoảng 3 phút sau, mẻ gia cầm đã được vặt sạch lông. Công đoạn này được lặp đi lặp lại cho đến khi nào đủ lượng hàng mà khách đã đặt.

Vừa làm, thanh niên này vừa nói: “Vịt với ngan mình dài, sau khi làm lông sẽ giống với chim cút hơn, còn gà mình tròn, dù có đem vặt lông chỉ cần nhìn sơ qua người ta cũng biết đấy là đồ giả”.

Ở một góc sân, chồng chị M. đang cầm kéo cắt mỏ, bỏ chân. Chỉ qua hai đường kéo, mỏ vịt, ngan đã biến thành mỏ chim cút, chim sẻ tùy ý khách.

Giá mỗi con gia cầm đã sơ chế rất rẻ

Giá mỗi con gia cầm đã sơ chế rất rẻ

Giữa lúc trò chuyện, chủ cơ sở này tiết lộ đã làm nghề sơ chế gia cầm thải loại được 6 năm. Khách có nhu cầu không chỉ là các tiệm ăn nhỏ mà còn cả những nhà hàng lớn, có uy tín trên địa bàn thành phố Hà Nội.

“Hàng này chủ yếu cung cấp cho Hà Nội là chính, một số tỉnh gần đây nhớ mối cũng hay đến lấy”, M. cho biết.

Văn Duẩn
Theo Đời sống Plus