Cụ thể, tờ New.QQ (Trung Quốc) vừa đăng bài bình luận rất đáng chú ý nói về hiện trạng của nền bóng đá Trung Quốc trong đó có đoạn: "Cảm ơn chủ tịch Chen Xuyuan! 45 CLB chuyên nghiệp đã giải thể sau 3 năm và Super League trở thành giải hạng hạng cuối ở châu Á, không bằng giải VĐQG Ấn Độ".
Bài viết này đề cập tới hiện trạng đáng buồn của bóng đá Trung Quốc trong vài năm trở lại đây: "Kể từ khi ông Chen Xuyuan nhậm chức Chủ tịch CFA vào năm 2019, liên đoàn đã áp dụng một loạt các quy tắc mới như giới hạn lương cầu thủ, giới hạn đầu tư CLB, đổi tên CLB…
Nếu xét trên lý thuyết thì CFA không sai khi đưa ra những quy định này. Tuy nhiên, căn cứ theo thực tế thì những quy tắc mới lại không mang lại hiệu quả tích cực thậm chí là phản tác dụng.
Thực tế là có rất nhiều CLB đã bị giải thể do không thích ứng được với quy định mới. Theo thống kê thì từ khi chủ tịch Chen Xuyuan nhậm chức vào năm 2019 đến nay, đã có tới 45 CLB chuyên nghiệp ở các giải đấu quốc nội đã giải thể trong đó có cả một số đội bóng thuộc Super League như Tianjin Tianhai (trước đây là Tianjin Quanjian), Jiangsu Suning, Qingdao Huanghai hay Chongqing Liangjiang Athletic. Không những vậy, đa số CLB tại Super League hiện tại đang xảy ra tình trạng nợ lương ở các mức độ khác nhau".
Bóng đá Trung Quốc nhận nhiều lời chê sau thành tích kém cỏi ở nhiều đấu trường
Tờ New.QQ cũng so sánh giải Super League với một số giải VĐQG ở châu Á và cho rằng Super League còn thua kém giải V.League của Việt Nam: "Đầu năm nay, một tổ chức thống kê bóng đá uy tín đã công bố BXH các giải đấu chuyên nghiệp ở châu Á. Giải Super League của Trung Quốc đã bị tụt xuống vị trí thứ 16 ở châu lục. Chỉ 2 năm trước, Super League thậm chí còn đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau J.League của Nhật Bản và giải VĐQG Ả Rập Xê Út.
Giờ đây, hóa ra giải Super League thậm chí còn thua kém cả giải V.League của Việt Nam hay các giải VĐQG của Malaysia hay Ấn Độ. Có thể nói, Super League đã trở thành giải một trong những giải đấu có thứ hạng thấp nhất châu lục".
Cách đây không lâu, tờ Sohu của Trung Quốc đã có bài viết nhắc đến 2 đội bóng hàng đầu của bóng đá Đông Nam Á hiện tại là Việt Nam, Thái Lan. Tác giả bày tỏ sự lo lắng với tốc độ phát triển của ĐNÁ sẽ khiến bóng đá Trung Quốc ngày càng tụt lùi.
Bài viết có tiêu đề: “Sự trỗi dậy của hai gã khổng lồ ở Đông Nam Á, đội tuyển bóng đá quốc gia bị ảnh hưởng: World Cup 2026 gặp khó khăn”.
Tờ Sohu viết: “Việt Nam và Thái Lan, những đội đã bỏ lỡ World Cup 2022 đã bắt đầu đặt mục tiêu đến World Cup 2026 và rất tự tin về tham vọng của họ. Đây sẽ là một tin xấu cho đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc.
Theo truyền thông Việt Nam, cả đội tuyển bóng đá nam Thái Lan và đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đều có tham vọng tham dự World Cup 2026. Nguyên nhân chính là do kỳ World Cup tới sẽ mở rộng thành 48 đội, với 8,5 suất ở Châu Á cho nhiều đội hơn. Tăng cơ hội dự giải cho những đội bóng ở nhóm dưới.
Ngoài ra, giới truyền thông cả 2 nước cho rằng cả bóng đá Thái Lan và bóng đá Việt Nam đều đang có đà phát triển tốt, và cả hai đội đều được kỳ vọng sẽ hoàn thành được mục tiêu dự World Cup 2026.”