Thứ tư, 15/05/2024 | 05:04
RSS

​​​​​​​7 lý do gây chóng mặt khi chạy bộ & Cách khắc phục

Chủ nhật, 18/06/2023, 06:58 (GMT+7)

Nếu là một người đam mê vận động và thích chạy bộ, có lẽ bạn đã trải qua những lần khi cái đầu vừa quay cuồng, thế giới xung quanh trở nên mờ mịt và bước chân bỗng trở nên không vững. Hiện tượng "chạy bộ bị chóng mặt" là một vấn đề phổ biến. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả tình trạng này.

I - Chạy bộ bị chóng mặt là do nguyên nhân gì?

1. Vận động quá sức

Có nhiều nguyên nhân khiến cho người chạy bộ cảm thấy chóng mặt, và tập luyện quá độ là một trong những nguyên nhân chính. Vì có thể sớm đạt được mục tiêu, nhiều runner thường chọn các bài tập quá nặng, dẫn đến triệu chứng chóng mặt kèm theo khó thở, mờ mắt, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn.

Không chỉ vậy, vận động quá sức còn là nguyên nhân dẫn tới 36,2% các trường hợp chấn thương của một vận động viên. Nó không chỉ xảy ra trong hoạt động chạy bộ, mà còn có thể ảnh hưởng đến nhiều môn thể thao khác như đạp xe, leo núi, bơi lội... Cho nên, khi tập luyện, việc lựa chọn đúng mức độ và cường độ phù hợp là rất quan trọng để đạt được hiệu quả tốt nhất và giảm thiểu nguy cơ chấn thương.

2. Cơ thể thiếu nước

Việc uống đủ nước trong quá trình chạy bộ rất quan trọng để tránh mất nước. Khi mất nước trong quá trình luyện tập sẽ tác động đến lượng natri máu trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ. Mất nước thường xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi là chủ yếu nhưng ảnh hưởng xấu tới người trưởng thành.

Các triệu chứng điển hình của tình trạng mất nước ngoài chóng mặt còn có thể kèm theo cơ thể yếu ớt như muốn ngất, khô miệng, tiểu ít… thường xảy ra nhiều hơn khi vận động viên chạy bộ trong thời tiết nắng nóng, chạy bộ quá sức hoặc đang mắc bệnh nhẹ. Chính vì vậy, để tránh tình trạng mất nước, người tập luyện cần uống đủ nước trước, trong và sau khi tập thể dục.

chạy bộ bị chóng mặt

3. Thiếu oxy

Việc thở như thế nào rất quan trọng trong quá trình chạy mới. Ở những người mới, chưa biết cách thở như thế nào cho đúng sẽ rất dễ gặp phải tình trạng nhịp thở gấp, tim đập nhanh, chóng mặt khi chạy, đó là do khi đó lượng oxy đi vào cơ thể ít hơn bình thường.

Để khắc phục tình trạng này, các vận động viên nên tập thở cũng như điều chỉnh hơi thở, kể cả khi không chạy bộ bằng cách hít sâu bằng mũi, phình bụng rồi từ từ thở ra qua miệng.

4. Bị huyết áp thấp

Tình trạng chóng mặt do hạ đường huyết vì luyện tập quá sức cũng rất phổ biến. Bên cạnh đó, những người bị huyết áp thấp (chỉ số huyết áp dưới 90/60mmHg) đã hay bị chóng mặt hơn những người bình thường, giờ dưới các yếu tố chạy quá sức, thiếu oxy, thiếu nước… lại càng khiến chóng mặt nặng hơn, thậm chí có thể dẫn tới ngất xỉu. Chính vì thế, người bị huyết áp thấp nên cân nhắc kỹ, nên hạn chế các bài tập nặng, quá sức.

5. Hạ đường huyết

Nếu bạn chạy bộ trong tình trạng bị đói, cơ thể bạn sẽ phải sử dụng glucose nhiều hơn, gây ra tình trạng hạ đường huyết với các biểu hiện chóng mặt, tay chân run rẩy, người mệt mỏi, đổ mồ hôi… Để khắc phục tình trạng này, bạn nên ăn nhẹ lót dạ trước khi chạy hoặc tập luyện.

hoa mắt chóng mặt khi chạy bộ

6. Chứng rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập không ổn định (không đều, quá nhanh hoặc quá chậm). Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm cả bệnh lý hoặc yếu tố tâm lý. Trong đó, việc vận động liên tục cũng là một trong những yếu tố tác nhân làm khởi phát tình trạng rối loạn nhịp tim, gây ra chứng chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi, tim đập nhanh… Không chỉ vậy, với những người đang bị bệnh lý về tim mạch, việc chạy bộ quá sức sẽ càng khiến cho các triệu chứng của bệnh trở nên nặng và tồi tệ hơn.

7. Dừng chạy đột ngột

Việc dừng chạy đột ngột có thể gây ra tụt huyết áp, dẫn đến chóng mặt, buồn nôn. Lý giải về trường hợp này, các chuyên gia đã chỉ ra:

Trong quá trình chạy, cơ thể của bạn trải qua những thay đổi đáng kể, các mạch máu trong cơ thể mở rộng, các cơ bắt đầu co lại và tim bơm máu nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của việc chạy. Điều này không chỉ giúp bạn tạo ra chuyển động mà còn đảm bảo lưu lượng máu trở lại tim thông qua các cơn co thắt cơ, hỗ trợ việc cung cấp thêm oxy cho cơ thể. Tuy nhiên, khi bạn dừng lại, các cơ không còn hoạt động bơm máu và mạch máu không còn giãn ra như trước. Điều này dẫn đến máu sẽ tập trung dồn lại ở các chi, làm giảm áp lực trong huyết áp.

II - Bị chóng mặt khi chạy bộ phải làm sao?

Khi gặp phải tình trạng chóng mặt trong lúc chạy bộ hoặc luyện tập thì dưới đây là một số việc bạn cần làm:

  • Ngồi hoặc nằm xuống: Hãy dừng ngay việc chạy lại, ngồi xuống hoặc nằm hẳn xuống để tránh gặp chấn thương.
  • Bổ sung nước: Bạn cần uống thêm nước khi cảm thấy chóng mặt, hoa mắt. Bạn cũng thể uống các loại nước điện giải (gồm đường, natri và kali) hoặc nước điện giải tự nhiên (như nước dừa) để có thể khắc phục được tình trạng mất nước, hạ đường huyết.
  • Nhìn tập trung vào 1 điểm: Đây là một mẹo giúp cơ thể bạn giữ thăng bằng tốt hơn trong trường hợp chóng mặt khi chạy bộ. Bạn chỉ cần tập trung nhìn vào 1 vật nào đó là được.
  • Hít thở sâu: Điều hòa và thở sâu sẽ giúp cơ thể bổ sung đủ lượng oxy đang bị thiếu, từ đó giảm tình trạng hoa mắt chóng mặt.
  • Không cử động mạnh đột ngột: Bạn không nên đứng dậy ngay hoặc thực hiện các cử động mạnh khi đang bị chóng mặt.

chạy bộ bị chóng mặt phải làm sao

III - Những lưu ý để hạn chế hiện tượng chạy bộ bị chóng mặt

Mặc dù biết cách phục hồi sau khi chạy bộ bị chóng mặt là rất quan trọng, nhưng để có thể phòng ngừa nó ngay từ đầu, theo lời khuyên từ chuyên gia, bạn nên:

  • Mặc quần áo luyện tập phù hợp với thời tiết.
  • Không nên chạy bộ vào giữa trưa.
  • Trước khi chạy, cần khởi động thật kỹ lưỡng để làm nóng cơ thể cũng như để cơ thể dần thích nghi với việc vận động.
  • Tránh tình trạng dừng lại đột ngột trong khi chạy. Thay vào đó, bạn nên giảm tốc độ dần dần, cuối cùng chuyển sang đi bộ khoảng 5 - 10 phút.
  • Sau buổi chạy, thực hiện các động tác giúp giãn cơ, thư giãn.
  • Có thể theo dõi nhịp tim của mình trong lúc tập.
  • Ăn nhẹ vào trước và sau buổi tập.
  • Luôn mang nước bên mình, nên uống sau mỗi 20 phút chạy bộ và uống thành từng ngụm nhỏ.
  • Dừng lại khi cảm thấy quá mệt.
  • Cần nghỉ ngơi hợp lý, chỉ nên chạy bộ khoảng 3 - 5 buổi/tuần.

Có thể thấy, dù bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng chóng mặt khi chạy bộ hoàn toàn có thể được khắc phục và phòng tránh. Bằng việc đảm bảo dinh dưỡng, uống đủ nước, chuẩn bị thật tốt cho cơ thể… bạn có thể nhận trọn niềm vui và lợi ích của việc chạy bộ mà không gặp phải bất kỳ khó khăn nào.

DS. Nguyễn Huyền
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại