Phòng, chống ma túy: Cha mẹ hãy là “chuyên gia” của con

07-07-2021 07:05:36

Bố mẹ chỉ nói với con về những giá trị và trách nhiệm thôi là chưa đủ. Chúng ta phải cho con thấy được hành động, muốn dạy con một bài học, hãy tự hỏi mình liệu ta có làm được không? Muốn dạy con tránh xa hiểm họa về ma túy, liệu bố mẹ đã đủ kiến thức về lĩnh vực này?

Trong một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) với hơn 5.000 cha mẹ, có tới 68,7% cha mẹ không biết đến những loại ma túy trá hình nguy hiểm trong các thực phẩm đồ ăn, nước uống đã và đang xâm nhập, tấn công vào học sinh, sinh viên. Điều này cho thấy, họ chưa có nhận biết đúng và đầy đủ về ma túy cũng như các kỹ năng để phát hiện và ngăn ngừa con em mình sử dụng ma túy, nghiện ma túy.

Viện PSD còn tìm hiểu và đánh giá nhận thức của phụ huynh học sinh và giáo viên về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi nghi ngờ và phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện. Kết quả, 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% có hiểu biết một chút; 25% biết khá rõ và 13% biết rõ về ma túy.

Phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng. Để hiểu và nhận diện đó là loại ma túy nào và tác hại ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như chưa nắm vững. Bên cạnh đó, kỹ năng nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em mình có dấu hiệu sử dụng ma túy, cũng chiếm tỷ lệ rất thấp.

Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" gồm 4 cuốn, trong đó có 1 cuốn dành cho các bậc phụ huynh

Theo tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh”, để hỗ trợ con em mình phòng, chống ma túy hiệu quả thì cha mẹ cần phải chủ động trang bị các kiến thức về tâm lý lứa tuổi, về ma túy và tác hại của ma túy cũng như kỹ năng có liên quan. Có được điều đó mới áp dụng phù hợp với từng hoàn cảnh, từng tính cách, đặc điểm cá nhân cũng như đặc điểm riêng của mỗi gia đình.

Hiện nay ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân sử dụng hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội.

Hiện nay có đến hơn 100 loại ma túy “núp bóng” thành các dạng bánh kẹo, nước uống, bong bóng rất bắt mắt và dễ dàng lôi kéo được sự tò mò của giới trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Những đứa trẻ luôn là con mồi ngon dễ bị dụ dỗ nhất…

Trước sự phức tạp của tội phạm ma túy, cha mẹ hãy là chỗ dựa, là người bạn đồng hành, thậm chí là một “chuyên gia” để trao đổi, sẻ chia với con những kiến thức về ma túy. Có nhiều kênh thông tin tài liệu để tìm hiểu về ma túy như sách, internet, báo chí, truyền hình.

Các bậc cha mẹ có thể tham khảo thêm Bộ sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy” gồm 4 cuốn, trong đó có cuốn dành riêng cho cha mẹ học sinh. Bộ tài liệu sẽ trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho cha mẹ học sinh.

Bộ tài liệu trang bị cho cha mẹ những kiến thức về tâm lý lứa tuổi, về ma túycũng như kỹ năng có liên quan

Bên cạnh việc trang bị những kiến thức sâu rộng về ma túy, cha mẹ cũng cần có kiến thức về tâm lý của tuổi mới lớn, thường xuyên quan tâm đến những nhu cầu của con. Hãy lắng nghe, hiểu rõ những gì con mình mong muốn. Các con ở tuổi mới lớn rất cần sự giúp đỡ nhưng cha mẹ tuyệt nhiên không nên can thiệp sâu vào cuộc sống suy nghĩ của con.

Cha mẹ phải luôn là tấm gương cho con noi theo. Đó là lối sống, đạo đức, cách ứng xử chuẩn mực. Tuyệt nhiên không nên áp đặt “con phải thế này”, “con phải thế kia”. Hãy cho con thấy được sự tôn trọng, được thừa nhận như người đã trưởng thành.

Một yếu tố nữa cũng vô cùng cần thiết, đó là luôn lắng nghe và đồng hành cùng con. Hãy dành nhiều thời gian nhất cho các con, tương tác cùng con, thể hiện sự quan tâm, yêu thương qua từng lời nói và hành động cụ thể.

Tuy nhiên, không thể không kiểm tra, giám sát các hoạt động của con. Ở tuổi trưởng thành, con thường tách ra khỏi sự giám sát của cha mẹ. Con sẽ phản ứng khó chịu khi “bị” giám sát, theo dõi, thậm chí là dạy bảo. Vì vậy, tuyệt nhiên không can thiệp “thô bạo” vào suy nghĩ, hành động của trẻ. Biết cổ vũ khi trẻ đúng, khéo léo uốn nắn chỉ bảo khi trẻ sai.

Cha mẹ như những người bạn lớn giúp con làm chủ bản thân, thích ứng với những điều mới mẻ nhưng cũng rất phức tạp ở ngoài xã hội. Hãy đồng hành cùng con, đừng bao giờ để con đơn độc trên bước đường trưởng thành.
 

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại //