Chảy máu cam: Nguyên nhân và cách xử trí tại nhà

22-09-2020 12:33:28

Chảy máu cam hlà một tình trạng phổ biến, bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này và khi bị chảy máu cam thì nên xử trí như thế nào?

Chảy máu cam là gì?

Chảy máu cam (chảy máu mũi) là tình trạng xuất huyết ở đường mũi do các niêm mạc mũi bị tổn thương. Chảy máu cam được phân thành 2 loại: chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.

Chảy máu mũi trước:

Hiện tượng chảy máu mũi trước chiếm tới gần 90% các trường hợp bị chảy máu cam. Vị trí máu chảy là vách ngăn lỗ mũi, khu vực này chứa nhiều mạch nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay gặp chấn thương cục bộ như ngoáy mũi, day mũi hay tay bạn vô tình làm xước. Chảy máu xuất phát từ phía trước mũi.

Chảy máu mũi trước là tình trạng phổ biến ở những vùng khí hậu hanh khô hoặc có môi trường khô như việc dùng lò sưởi hay máy điều hòa trong thời gian dài. Niêm mạc khô khiến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và chảy máu.

Tình trạng chảy máu mũi trước thường xảy ra một bên mũi và chủ yếu chảy ra phía trước. Tình trạng này kéo dài và khối lượng máu chảy không nhiều. Sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu thì máu ngừng chảy.

Chảy máu mũi sau:

Khoảng 10% mắc tình trạng chảy máu mũi sau, thường liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi. Chảy máu sau mũi nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn tình trạng chảy máu trước mũi. Thường gặp ở người cao tuổi, những người bị huyết áp cao hay gặp chấn thương vùng mũi mặt.

Chảy máu sau mũi thường xảy ra ở cả hai bên mũi. Máu chảy ra phía sau và đi xuống họng. Chảy máu nhiều và có thể khiến cho người bệnh rơi vào trạng thái nguy kịch. Có thể kiểm soát tình trạng bằng cách nhét bấc mũi hoặc thắt mạch máu.

Trong một vài trường hợp, khó để nhận biết chảy máu mũi trước hay sau. Cả hai đều có thể khiến cho máu chảy về phía sau cổ họng nếu bạn nằm ngửa. Nhưng tình trạng chảy máu cam sau nghiêm trọng hơn nhiều. Bạn cần phải đến cơ sở y tế để được giúp đỡ kịp thời.

Nguyên nhân gây chảy máu cam

Ngoáy mũi hoặc xì mũi

Ngoáy mũi có thể gây ra các vết trầy xước hoặc vết rách ở lớp lót niêm mạc của mũi. Điều này có thể khiến các mạch máu bị vỡ làm chảy máu mũi. Xì mũi quá mạnh cũng có thể gây chảy máu mũi, các trường hợp vừa mới bị chảy máu mũi, việc xì mũi cho dù là nhẹ cũng có thể gây tiếp tục chảy máu.

Cảm lạnh và dị ứng

Dị ứng, cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể gây chảy máu mũi thường xuyên. Viêm và nghẹt mũi làm cho các mạch máu trong mũi giãn nở khiến chúng có nguy cơ bị vỡ và chảy máu nhiều hơn.

Khí hậu nóng hoặc khô

Không khí nóng hoặc khô gây ra các vết nứt trong niêm mạc mũi có thể làm tăng tần suất chảy máu cam. Thay đổi thời tiết theo mùa có thể gây chảy máu mũi thường xuyên do mũi không kịp điều chỉnh thay đổi nhiệt độ và độ ẩm.

Rối loạn đông máu

Những người bị chảy máu cam thường xuyên có thể bị rối loạn đông máu. Các yếu tố di truyền có thể gây ra các rối loạn đông máu. Hemophilia là bệnh rối loạn đông máu do thiếu một trong ba yếu tố đông máu có thể gây chảy máu thường xuyên bên trong và bên ngoài cơ thể, đặc biệt là sau chấn thương hoặc phẫu thuật.

Bệnh Von Willebrand có một loại rối loạn chảy máu khác khiến máu đông chậm hơn bình thường. Những người mắc bệnh von Willebrand có thể bị chảy máu cam thường xuyên và khó có thể kiểm soát.

Thuốc

Chảy máu cam đôi khi có thể là một tác dụng phụ của thuốc. Một số loại thuốc chống đông máu có thể gây chảy máu mũi thường xuyên. Những loại thuốc này có thể bao gồm các chất làm loãng máu, các thuốc chống viêm....

Dị dạng trong mũi

Một số bất thường trong mũi cũng có thể gây chảy máu mũi thường xuyên. Lệch vách ngăn là một bất thường do bẩm sinh hoặc chấn thương cho mũi.

Khối u

Các khối u trong mũi hoặc xoang có thể gây chảy máu mũi thường xuyên. Khối u có thể là ung thư hoặc không ung thư thường có nhiều khả năng xuất hiện ở người lớn tuổi hoặc người hút thuốc. Nghẹt mũi mạn tính hoặc có mùi hôi từ mũi có thể là triệu chứng đi kèm của khối u trong mũi hoặc xoang.

Các tình trạng sức khỏe khác

Một số tình trạng sức khỏe có thể gây chảy máu mũi thường xuyên hoặc gây tái phát bao gồm: huyết áp cao, dị ứng theo mùa, lạm dụng thuốc, suy thận, bệnh bạch cầu, giảm tiểu cầu…

Lạm dụng rượu, chất kích thích

Sử dụng nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến tiểu cầu trong máu và làm chậm quá trình đông máu. Rượu cũng có thể làm giãn nở các mạch máu gần bề mặt, khiến chúng dễ bị vỡ và chảy máu hơn. Ngoài ra, một số hóa chất có thể gây kích ứng niêm mạc mũi bao gồm: khói thuốc lá, xăng, amoniac, axit sunfuric…

Chế độ ăn uống

Một số chất bổ sung chế độ ăn uống có thể hoạt động tương tự như thuốc làm loãng máu gây chảy máu kéo dài nếu quá liều bao gồm: tỏi, gừng, cỏ thơm, bạch quả, đan sâm, đương quy, nhân sâm, vitamin E…

Xử trí như thế nào khi bị chảy máu cam tại nhà?

- Ngồi dậy và cúi người về phía trước. Tư thế ngồi có thể giúp làm giảm áp lực trong các mạch máu ở mũi. Điều này ngăn chảy máu mũi nặng hơn. Ngoài ra, cúi người về phía trước để máu không chảy xuống họng và vào dạ dày, vì nó có thể gây kích thích dạ dày.

- Không cố gắng hỉ mũi mạnh hay khạc máu vì có thể khiến chảy máu nặng hơn. Bạn nên nhẹ nhàng lau sạch và bóp cánh mũi để đẩy máu cũ trong mũi ra. Nhổ nhẹ nhàng nếu máu chảy xuống họng.

- Xịt thuốc co mạch mũi – các thuốc xịt giảm nghẹt mũi (nếu có)

- Dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt 2 bên cánh mũi, ngay cả khi chỉ chảy máu 1 bên mũi. Thở nhẹ nhàng bằng miệng. Tiếp tục bóp chặt trong khoảng 10 – 15 phút. Động tác này giúp chèn chặt vào điểm chảy máu tại niêm mạc mũi và thường có thể làm ngưng chảy máu cam.

- Đặt một túi chườm lạnh lên mũi để các mạch máu mũi co lại và làm đông máu nhanh hơn, giúp giảm chảy máu. Lặp lại các bước trên nếu chảy máu chưa ngưng hẳn.

- Khi chảy máu mũi đã ngưng, để ngăn không bị chảy lại, bạn không nên ngoáy mũi hay hỉ mũi mạnh. Tránh cuối đầu xuống thấp vì có thể làm tăng áp lực ở mạch máu niêm mạc mũi. Nên giữ đầu ở tư thế cao hơn tim.

- Nếu mũi vẫn chảy máu, hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //