Bộ Y tế hướng dẫn nhận biết và điều trị ngộ độc Clostridium botulinum

09-09-2020 09:54:44

Ngày 8/9, sau hàng loạt vụ ngộ độc do ăn pate Minh Chay, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum.

Sự kiện:
Pate Minh Chay

Ngày 8/9, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã ký ban hành Quyết định số 3875/QĐ-KCB quyết định về việc ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum sau hàng loạt vụ ngộ độc do ăn pate Minh Chay. 

Theo hướng dẫn này, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra. Thời gian khởi phát bệnh phổ biến 12 – 36h sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên, có thể trong khoảng 6h - 8 ngày sau ăn.

Người bệnh xuất hiện triệu chứng cụ thể như sau: buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt ruột cơ năng, táo bón, sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp...

Ngoài ra, người bệnh có thể liệt hoàn toàn tất cả các cơ, liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân, liệt các cơ vùng ngực và bụng. Đồng thời, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất; đồng tử có thể giãn hai bên, …Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.

Ngộ độc xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.

Về nguyên tắc xử trí, Bộ Y tế cho biết cấp cứu và hồi sức hô hấp là chính, cần phát hiện sớm tình trạng liệt cơ hô hấp, kiểm soát đường thở, thở máy và các vấn đề hồi sức kèm theo. Dùng thuốc giải độc đặc hiệu càng sớm càng tốt khi đã có chỉ định. Đồng thời báo các cơ quan chức năng cùng phối hợp giải quyết.

Các nhân viên y tế cần nâng cao cảnh giác khai thác bệnh sử, đưa vào chẩn đoán phân biệt đặc biệt với các tình trạng liệt ngoại biên, qua đó giúp chẩn đoán và điều trị sớm, dùng thuốc giải độc sớm nhất giúp cải thiện tình trạng ngộ độc.

Bộ Y tế cho biết, nếu bệnh nhân mới ăn nguồn thực phẩm nghi ngờ thì biện pháp cần thiết nhất là gây nôn. Tiến hành biện pháp than hoạt trong trường hợp bệnh nhân đến viện muộn do độc tố, vi khuẩn vẫn tồn tại trong đường tiêu hóa nhiều giờ tới nhiều ngày sau...

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //