Vụ bé trai ở Nghệ An hóc hạt nhãn tử vong: Chuyên gia chỉ cách sơ cứu đúng nhất
Cháu bé chơi một mình trước sân nhà và tự bóc nhãn ăn. Khi cháu bị sặc dẫn đến ngạt đường thở đã không có ai kịp phát hiện ra sự việc.
Trao đổi với PV, ông Hồ Xuân Xuyên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - cho biết trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ một bé trai 2 tuổi tử vong thương tâm do hóc hạt nhãn.
Nạn nhân là cháu H.V.V. (2 tuổi, ở xóm 13, xã Quỳnh Thanh, H. Quỳnh Lưu). Trưa ngày 11/11, cháu V chơi một mình trước sân nhà và tự mang chùm nhãn ra ăn.
Không may, cháu nuốt phải hạt nhãn dẫn đến sặc, ngạt đường thở nhưng không có ai kịp phát hiện. Khi người mẹ nấu cơm xong đi ra thì thấy con trai đã tím tái, ngưng thở nằm bất động. Cháu bé được xác định đã tử vong sau đó.
Nhiều gia đình chủ quan khi cho trẻ nhỏ tự ăn các loại quả như nhãn, chôm chôm...dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Thời gian vừa qua tại nhiều địa phương đã xảy ra không ít các trường hợp trẻ nhỏ tử vong hoặc sống thực vật suốt đời vì bị hóc các loại hạt khi ăn.
Mới đây một bé trai 2 tuổi ở Nam Định, sau khi đi học về được người thân cho ăn nhãn nhưng không tách hạt. Bé đã cho nguyên cả quả nhãn vào miệng dẫn tới bị hóc, ho sặc sụa tím tái. Gia đình đã sơ cứu cho bé trước khi chuyển tới bệnh viện địa phương rồi tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại thời điểm nhập viện, các bác sĩ phát hiện hạt nhãn nằm ngay nắp thanh môn của bệnh nhi vẫn còn nguyên cả hạt và cùi nhãn. Tuy nhiên do cấp cứu ban đầu không đúng, hạt nhãn bít kín đường thở nên khi bệnh nhân lên tới viện đã hôn mê sâu. Ngoài ra do não thiếu oxy lâu dẫn đến bệnh nhân tổn thương não, hiện đang sống thực vật.
Qua các trường hợp đáng tiếc trên, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không cho trẻ ăn, ngậm các loại hạt, đồ vật, nhất là trẻ có độ tuổi 2-3 hay ngậm đồ ăn, phản xạ hầu họng chưa tốt, có nguy cơ bị hóc dị vật đường thở.
Bên cạnh đó các gia đình nên nắm được kiến thức và cách sơ cứu phòng tình huống không may con em mình hóc dị vật. Bởi việc xử trí cấp cứu đúng trong vài phút đầu có thể cứu sống bệnh nhân. Nếu để trễ hơn “thời gian vàng” này hoặc sơ cứu không đúng cách, dù có cứu được tính mạng trẻ nhưng cũng để lại di chứng suốt đời.
Chuyên gia bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn cách sơ cứu cho trẻ hóc dị vật.
Dưới đây là cách sơ cứu đúng được các bác sĩ khoa Cấp cứu Chống độc – Bệnh viện Nhi trung ương hướng dẫn.
Trong trường hợp bệnh nhân tỉnh táo, ho được hãy khuyến khích trẻ ho rồi nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện..
Trường hợp trẻ không ho được cần mở thông đường thở, kiểm tra xem trẻ còn thở không, nếu không cần cần làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực để mở thông đường thở
Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực
- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
- Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
- Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này.
Đới với trẻ lớn hơn, cần đặt trẻ lên đùi và thực hiện sơ cứu như trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.