Tương lai nào cho những người trẻ nghiện ma túy?

10-07-2021 09:40:44

Đối với những đứa trẻ sử dụng ma túy, ma túy có thể khiến chúng cảm thấy “thoải mái” và tạm quên đi những tổn thương mà chúng đang gặp phải nhưng không hề biết rằng, ma túy sẽ để lại những hệ lụy khủng khiếp.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, tính đến tháng 6/2021, tại Việt Nam có trên 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 11.600 người nghiện (4,7%) so với cuối năm 2020. Đáng chú ý, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân khiến giới trẻ sa vào con đường nghiện ngập, trong đó phải kể đến sự thiếu hiểu biết về tác về ma túy (dấu hiệu nhận biết, tác hại,…) cũng như những kỹ năng phòng, chống nó. Việc này đã khiến nhiều thanh thiếu niên bị kẻ xấu cám dỗ, lôi kéo vào con đường nghiện ngập, nhất là với các em thiếu niên.

Ở lứa tuổi này, do các em chưa thực sự trưởng thành nên suy nghĩ còn non nớt, bồng bột, tâm lý thích thể hiện, đua đòi; nhận thức chưa đầy đủ hoặc sai lệch về tác hại của ma túy, vì vậy khi bị dụ dỗ bởi những lời ngon ngọt của kẻ xấu, các em rất dễ bị sa ngã.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” là tâm huyết nhiều năm của các nhà khoa học tại Viện PSD

Ngoài ra, do thiếu sự giáo dục, quan tâm từ phía gia đình, khiến cho các em dễ vướng vào ma túy. Câu chuyện về gia đình anh Hoàng Thanh Q. (54 tuổi, ngụ tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai) là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh và cho toàn xã hội. Anh Q. có 3 người con. Sau khi ly hôn, hai đứa con nhận ở với cha. Con trai 25 tuổi và con gái 17 tuổi. Anh Q. là chủ đại lý phân phối gas nên tối ngày tất bật với các đơn hàng.

Đầu năm 2019, anh Q. cặp kè với một cô gái mới 26 tuổi, chỉ hơn con trai 2 tuổi. Anh Q. xác định sẽ cưới cô gái nên hai người sống chung như vợ chồng. Chứng kiến cảnh "dì ghẻ" đỏng đảnh, quần là áo lượt, son phấn lòe loẹt, hai đứa con của anh Q. căm ghét ra mặt. Cứ đến bữa ăn là chúng bỏ đi ra ngoài chơi game, dù anh Q. gọi mấy chúng cũng không về.

Có lần, anh Q. bực quá ra tận tiệm game tát cậu con trai một bạt tai. Kể từ ngày đó, con trai anh Q. không thèm nói chuyện với bố, có khi đi chơi cả tuần mới về. Cách đây 2 tháng, Công an gọi điện cho anh Q. đến bảo lãnh nhận con về. Anh Q. tá hỏa khi cầm tờ kết quả kiểm tra dương tính với ma túy. Sau một hồi tra hỏi, con trai anh Q. thừa nhận đã nghiện.

Bi kịch hơn nữa, đứa con gái 17 tuổi đang học lớp 11 của anh Q. cũng dính vào "nàng tiên nâu". Khi được hỏi lý do tại sao lại sử dụng ma túy, hai đứa trẻ òa khóc nói do chán gia đình. Bố mải vui với người phụ nữ khác mà không quan tâm, yêu thương chúng, còn mẹ cũng chẳng bao giờ thăm hỏi. Từ những ức chế, buồn khổ về người lớn đã đưa đẩy hai đứa con của anh Q. sa vào tệ nạn ma túy.

Thời điểm hiện tại, ma túy có thể khiến cho hai đứa trẻ cảm thấy “thoải mái” và tạm quên đi những tổn thương mà gia đình chúng mang lại những những tháng năm sau này có lẽ sẽ chẳng như thế. Rất có thể quãng thời gian nghiện ngập đó sẽ trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp và kinh hoàng mà mỗi khi nghĩ lại chúng sẽ cảm thấy đầy tội lỗi và tiếc nuối.

Nghiện ma túy rồi, tương lai của hai đứa con anh Q. sẽ đi về đâu? Ở độ tuổi 25 và 17 ấy, thay vì được học tập dưới mái trường để trở thành những công dân có ích trong tương lai, rất có thể hai đứa trẻ sẽ được đưa đến trung tâm cai nghiện, thậm chí là bệnh viện tâm thần nếu tình trong tình trạng nặng. Tương lai của chúng ra sao, chẳng ai dám chắc…

Có thể thấy, không chỉ gieo rắc “cái chết trắng” cho nhiều người, ma túy còn là nguyên nhân “xé nát” nhiều gia đình, khiến những đứa trẻ mất đi tuổi thơ mà chúng đáng được hưởng. Không những thế, nó còn đang hủy hoại tương lai của nhiều người trẻ, lấy đi cơ hội giúp họ trở thành công dân có ích cho đất nước, người con hiếu thảo với gia đình.

Bộ tài liệu được xem là giải pháp căn cơ và hữu hiệu  giúp nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho cộng đồng

Về tác hại của ma túy đối với giới trẻ, Thượng tá Hà Văn Huy, Trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh, chống tổ chức sử dụng chất ma túy trái phép (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) nhận định, ông đã gặp nhiều người trẻ, trong đó không ít đã thẳng thừng thừa nhận có "chơi" ma túy hoặc chất gây nghiện.

Một bộ phận thanh niên "cứng” thì cho rằng, sử dụng ma túy mới là sành điệu, là đẳng cấp, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các đối tượng sử dụng ma túy. Giới trẻ đang trong độ tuổi học tập và cống hiến nhưng lại sử dụng ma túy lâu ngày trở nên nghiện ngập, lệ thuộc vào ma túy. Từ đây sẽ mất đi khả năng học tập, năng lực lao động, không tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo ra gánh nặng cho gia đình, gây nên tình trạng trộm cắp, cướp của, giết người và các tệ nạn xã hội khác.

Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp thiết là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về những vấn đề liên quan đến ma túy, trong đó có tác hại và hậu quả khủng khiếp mà nó gây ra. Thực hiện Công văn số 1477/KGVX-VPCP ngày 9/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về các chương trình trọng tâm năm 2021 trong công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh.

Bộ tài liệu là tâm huyết và sự nỗ lực trong nhiều năm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học (thuộc nhiều lĩnh vực: tâm lý, y học, sinh học thần kinh, xã hội học…) tại Viện PSD. Với việc trang bị cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ và các em học sinh (THCS, THPT) những kiến thức và kỹ năng xử lý các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy, Bộ tài liệu được xem là công cụ, giải pháp căn cơ và hữu hiệu  giúp nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng để đẩy lùi tệ nạn ma túy nói chung và ma túy học đường nói riêng.

PV
Theo Giáo dục & Thời đại //