Mỹ tuyên bố chấm dứt quan hệ với WHO vì không thực hiện cải cách về Covid-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 thông báo Mỹ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) do phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch Covid-19.
Mỹ tuyên bố chấm dứt quan hệ với WHO vì không thực hiện cải cách về Covid-19
Tổng thống Trump nói: "Vì họ đã không thực hiện các cải cách được yêu cầu và rất cần thiết, nên hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới và chuyển các khoản tiền đó sang các nhu cầu sức khỏe cộng đồng toàn cầu khác, xứng đáng, khẩn cấp hơn."
Tiền phong dẫn nguồn từ CNN cho biết, người đứng đầu nước Mỹ nhấn mạnh: "Thế giới cần câu trả lời từ Trung Quốc về virus. Chúng ta phải có sự minh bạch."
Người phát ngôn của WHO nói với CNN hôm thứ Sáu: "Chúng tôi không có bình luận nào để đưa ra vào thời điểm này".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc WHO đã bỏ qua những báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Vũ Hán hồi đầu tháng 12/2019 hoặc thậm chí sớm hơn nữa. Tiếp theo những chỉ trích, ngày 14/4, Tổng thống Trump đã tuyên bố chính quyền Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra của họ với cách "phản ứng thất bại" của WHO trước dịch Covid-19.
Gần đây nhất, trong bức thư dài bốn trang đề ngày 18/5 gửi tổng giám đốc WHO, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố WHO có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không, Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ Lamar Alexander ngày 29/5 cho biết ông không tán thành quyết định của Tổng thống Donald Trump chấm dứt tư cách thành viên của Mỹ tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thượng nghị sỹ trên cho rằng việc rút tiền tài trợ và tư cách thành viên của Mỹ tại WHO có thể ảnh hưởng đến nỗ lực phối hợp bào chế vắcxin phòng COVID-19, cũng như các hoạt động của WHO liên quan các dịch bệnh khác có thể xâm nhập nước Mỹ.
Ông Alexander nêu rõ: "Việc rút tư cách thành viên của Mỹ có thể tác động tới các thử nghiệm lâm sàng rất cần thiết cho sự phát triển vắcxin mà công dân Mỹ cũng như mọi người trên thế giới cần đến. Việc rút khỏi WHO có thể khiến hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia khác trong cuộc chiến chống virus trở nên khó khăn hơn."
Chủ tịch Hiệp hội y tế Mỹ Patrice Harris nhấn mạnh: "Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người Mỹ, việc cắt đứt quan hệ với WHO là không hợp lý và khiến các nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này trở nên khó khăn hơn nhiều."
"Hành động vô nghĩa này sẽ gây ra tác động đáng kể, nguy hại ở thời điểm hiện nay cũng như sau này, đặc biệt là khi WHO đang dẫn dắt các nghiên cứu thử nghiệm và phát triển vắcxin và thuốc điều trị để chống lại đại dịch này".