Indonesia: Tỷ lệ trầm cảm ở sinh viên tăng do dịch Covid-19

24-12-2021 13:32:44

Tháng 10 vừa qua, nhóm vận động sức khoẻ tâm thần Ruang Empati đã nghiên cứu tác động của Covid-19 lên sức khoẻ tâm thần của sinh viên Indonesia.

Sự kiện:
Covid-19


Sinh viên Indonesia mệt mỏi khi dịch Covid-19 kéo dài.

Kết quả cho thấy, 59% trong số gần 4.000 sinh viên được khảo sát có dấu hiệu lâm sàng của bệnh trầm cảm.

Con số này tăng đáng kể so với 47% vào năm 2020. Trong đó, 13% người được hỏi có ý định kết liễu cuộc đời và 3% từng tự tử bất thành.

Anh Suryo từng tin rằng anh là học sinh giỏi khi là người đầu tiên trong gia đình và trong làng trúng tuyển vào một trường đại học hàng đầu ở ngoại ô thủ đô Jakarta. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát vào thời điểm Suryo bước vào học kỳ II năm nhất, mọi niềm tin vỡ vụn.

Trường học chuyển sang dạy trực tuyến, Suryo nghe lời bố mẹ trở về làng tránh dịch. Nhưng ở quê, đường truyền Internet kém, gia đình Suryo không đủ tiền mua một chiếc máy tính dù là loại đã qua sử dụng.

Do đó, nam sinh thường xuyên vắng mặt trong các lớp học online và kết quả học tập tụt dốc khi so với bạn bè. Anh không thể học cùng bạn bè, cũng không có thư viện nào gần nhà để bổ sung kiến thức. Điểm số của Suryo sụt giảm nghiêm trọng đến mức có nguy cơ mất học bổng.

Nam sinh chia sẻ: “Tôi từng nghĩ đến việc bỏ học, thậm chí rời bỏ cuộc sống. Nếu nhìn thấy một cây cầu, tôi liền nghĩ đến việc nhảy xuống. Nếu nhìn thấy một dòng sông, tôi chỉ muốn gieo mình”.

Bác sĩ tâm thần Teddy Hidayat, người sáng lập Ruang Empati, cho biết: “Vấn đề này đã trở nên cấp bách và quan trọng đến mức cần phải được quan tâm đúng đắn. Tin tức về việc sinh viên đại học tự tử ngày càng trở nên phổ biến từ khi đại dịch bắt đầu”.

Bác sĩ tâm thần Elvine Gunawan cho biết, đại dịch khiến nhiều người, không chỉ sinh viên, cảm thấy lo lắng kéo dài, dẫn đến thất vọng và trầm cảm. Tuy nhiên, sinh viên có nhiều nguy cơ hơn.

“Các em đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp từ thiếu niên thành người lớn nên tinh thần dễ chịu tác động và tổn thương hơn người bình thường. Mặt khác, các em phải học cách trở nên độc lập hơn, không còn dựa dẫm vào cha mẹ nên thiếu đi sự an ủi, che chở”, bà Gunawan cho hay.

Theo bác sĩ, sinh viên không thể tìm kiếm sự giúp đỡ vì xã hội có cái nhìn chưa thiện cảm đối với người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Dù muốn được hỗ trợ y tế, các em còn cần sự đồng ý của phụ huynh nhưng nhiều cha mẹ không muốn con điều trị sức khoẻ tâm thần.

Ông Nizam, Tổng Giám đốc phụ trách giáo dục đại học của Bộ Giáo dục Indonesia, cho biết, các trường đại học cần thiết lập dịch vụ tư vấn riêng để hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho sinh viên.

Hiện nay, hầu hết các trường đều có dịch vụ này, dưới hình thức một đơn vị, cơ sở chuyên dụng hoặc giảng viên cố vấn. Bộ cũng ban hành quy định xóa bỏ bạo lực tình dục, bắt nạt, những nguyên nhân chính gây ra trầm cảm ở học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, ông Hidayat cho rằng, chưa có tiêu chuẩn thống nhất cho các dịch vụ hỗ trợ sức khoẻ tâm thần vì hầu hết hoạt động không có mặt của chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần trong trường. Thậm chí, tại nhiều trường, sinh viên là người khởi xướng các nhóm hỗ trợ của riêng họ.

Để hỗ trợ sinh viên, Ruang Empati đã cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến từ khi Covid-19 bắt đầu với hơn 10 tình nguyện viên là cố vấn. Nhóm cũng tổ chức các lớp học nghệ thuật để sinh viên giải toả căng thẳng, thể hiện bản thân.

 

Tú Anh - Theo CNA
Theo Giáo dục & Thời đại //