Điệp viên Trung Quốc thu thập được có 5,6 triệu dấu vân tay quan trọng từ Mỹ
Trong số những thông tin mà điệp viên Trung Quốc thu thập được có 5,6 triệu dấu vân tay có thể được dùng để nhận dạng những điệp viên của chính phủ Mỹ hoặc dùng để truy cập những kho dữ liệu mật khác của Mỹ.
Báo Dân Trí dẫn nguồn từ RT đưa tin, "tình báo Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vào (hệ thống mạng) các cơ quan an ninh của Mỹ và khai thác các thông tin quan trọng đối với an ninh quốc gia, bao gồm thông tin về các kế hoạch và hoạt động của lực lượng quân đội Mỹ cũng như mẫu thiết kế của các loại vũ khí và hệ thống vũ khí của Mỹ”, tờ Washington Free Bacon trích một đoạn trong dự thảo báo cáo thường niên của Ủy ban Thẩm định Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung cho biết.
Bản báo cáo cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 16/11 tới.
Cũng theo dự thảo báo cáo trên, các vụ đột nhập của tình báo Trung Quốc nhằm tiếp cận các thông tin về “hoạt động của các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ cũng như những kế hoạch triển khai lực lượng của quân đội Mỹ tới những điểm nóng tiềm tàng trong khu vực”.
Trung Quốc được cho là đang cố gắng xâm nhập vào hệ thống an ninh quốc gia của Mỹ, trong đó có Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Dự thảo báo cáo chỉ ra rằng Washington đang phải “đối mặt với một mối đe dọa to lớn và ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia từ các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc”.
Trung Quốc bị tố trộm thiết kế vũ khí, kế hoạch chiến tranh của Mỹ. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, dự thảo báo cáo cũng nói rằng các hoạt động tấn công mạng của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ như mạng lưới điện và mạng lưới tài chính, từ đó cho phép Bắc Kinh “có khả năng gây ảnh hưởng đáng kể hoặc làm hỏng các thực thể” của Washington.
Do vậy, các cơ quan thuộc các lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, kinh tế, thậm chí cả đối ngoại đều có thể trở thành mục tiêu của gián điệp Trung Quốc.
Không chỉ tấn công mạng, Trung Quốc còn nỗ lực cài điệp viện vào các cơ quan an ninh Mỹ, bao gồm Cục điều tra liên bang (FBI) và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, dự thảo báo cáo cho hay và đồng thời nêu một số vụ án cụ thể.
Vụ thứ nhất là trung tá về hưu Benjamin Pierce Bishop. Ông Bishop, từng làm việc cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, xộ khám vào tháng 3.2014 vì tội cung cấp bí mật quân sự cho một phụ nữ Trung Quốc có quan hệ tình ái với ông.
Hai vụ án khác là vào năm 2010, ông James Fondren, một quan chức cấp cao của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương bị bắt sau khi tuồn báo cáo mật “Chiến lược Quốc phòng quốc gia năm 2008” của Mỹ cho Trung Quốc.
An ninh mạng đã trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Ông Gregg Bergersen, một chuyên viên phân tích của Lầu Năm Góc cũng đã cung cấp nhiều bí mật quân sự cho Trung Quốc và bị bắt vào năm 2008; cả hai người này đều do các điệp viên Trung Quốc chiêu mộ.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng không thoát thoải khỏi chiến dịch thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc. Tình báo Trung Quốc đã tấn công mạng, trộm email của nhiều quan chức Mỹ, theo dự thảo báo cáo.
“Trong số những thông tin mà điệp viên Trung Quốc thu thập được có 5,6 triệu dấu vân tay có thể được dùng để nhận dạng những điệp viên của chính phủ Mỹ hoặc dùng để truy cập những kho dữ liệu mật khác của Mỹ”, theo bản dự thảo báo cáo, báo Thanh Niên đưa tin.