Ăn cá hồng chuối, 10 người tại Bình Thuận nhập viện khẩn cấp
Sau khi ăn cá hồng chuối, 10 người tại Bình Thuận xuất hiện tình trạng tụt huyết áp, tê môi, nôn ói, tiêu chảy và phải nhập viện khẩn cấp.
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa An Phước nghi ngộ độc do ăn cá hồng chuối. Ảnh: VNExpress
Ngày 15/10, đại diện Bệnh viện Đa khoa An Phước (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho PLO biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu 10 trường hợp nghị bị ngộ độc do ăn cá hồng chuối.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp thấp, tay chân tê cứng co giật, buồn nôn, tiêu chảy... Hiện tại, đã có hai người xuất viện. Tám người còn lại đang tiếp tục được theo dõi, trong đó có hai người bị ngộ độc nặng.
Trao đổi với VNExpress, bệnh nhân Võ Thanh Ngọc (40 tuổi, ở phường Đức Nghĩa) cho biết, ngày 14/10 anh mua đầu cá hồng bán ở chợ Phan Thiết về kho ăn với bún. Sau khi ăn tất cả 4 người trong nhà đều bị nóng cổ, ói mửa, khó chịu.
"4 người của gia đình tôi ăn cá hồng chuối mua ở gần chợ lớn Phan Thiết xong thì ai cũng bị nôn mửa, tiêu chảy. Trước đây, tôi đã ăn loại cá này nhưng không bị vấn đề gì", bệnh nhân Võ Thanh Ngọc chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hoài Trang (36 tuổi), mua con cá hồng 5 kg ở chợ Phú Thủy, cắt lát mang về nhà nấu canh với lá hành, lá é, dùng trong bữa cơm chiều.
Khoảng 10 phút sau khi ăn xong, chị Trang và con trai cùng cháu gái bị đau bụng, ói mửa, tiêu chảy liên tục. Chị Trang cho hay, trước đó từng ăn cá hồng chuối một lần ở đảo Phú Quý không xảy ra bất thường.
Sau khi sự việc xảy ra, trong sáng 15/10, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Bình Thuận lấy mẫu cá còn lại tại các gia đình bệnh nhân, gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm để điều tra nguyên nhân ngộ độc. Được biết, trước đây, tại tỉnh Bình Thuận cũng đã ghi nhận nhiều vụ người dân ăn cá hồng chuối bị ngộ độc và phải nhập viện điều trị.
Cá hồng chuối
Trao đổi với SGGP Online, đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết, cá hồng mà ngư dân hay ăn thường gọi là cá hồng chuối, phân bổ ở những vùng nước sâu như huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Theo chi cục Thủy sản, bản thân loài cá này vốn không có độc. Tuy nhiên, ở một số vùng nước sâu thường có các loại tảo độc, khi loài cá này ăn phải có thể tích tụ độc trong cơ thể. Nếu người dùng mua con cá hồng ăn phải loại tảo độc, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các triệu chứng lâm sàng bao gồm: đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy, ngứa da, rối loạn cảm giác, tê và ngứa ran ở các chi, mạch đập loạn, giảm huyết áp, chậm nhịp tim. Triệu chứng chung của người bị ngộ độc là yếu toàn thân dai dẳng, đau khớp và cơ, nhức đầu, chóng mặt, run, đổ mồ hôi nhiều.
Do đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cảnh báo, người dân khi mua loài cá này về sử dụng cần tìm hiểu rõ nguồn khai thác của loại cá này để có biện pháp phòng tránh.